Vô một khu rừng ở Yên Bái, thấy dân trồng 2 loài cây mới lạ, vặt lá, hái hoa bán giá “nhà giàu”

Từ hiệu quả kinh tế của cây trà hoa vàng và cây khôi nhung đem lại xã Xuân Long, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; thành lập các cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm dược liệu đặc trưng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện xã Xuân Long, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) có trên 40 ha cây dược liệu; trong đó, gần 10 ha trồng trà hoa vàng tập trung tại thôn 7. Mỗi năm, cây dược liệu, trong đó có cây trà hoa vàng cho thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Là hộ tiên phong ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) mang cây trà hoa vàng và cây khôi nhung là 2 loại cây dược liệu quý mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Vũ Quyết Thắng ở thôn 7 chia sẻ: “Trước đây, hơn 2 ha đất đồi của gia đình chỉ trồng các loại cây gỗ lớn như mỡ, keo và hiệu quả kinh tế thu được không cao.

Năm 2018, sau khi đi nhiều nơi học hỏi các hộ làm giàu từ rừng, nhất là các hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc trồng trà hoa vàng, khôi nhung dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tôi đã tìm hiểu thị trường tiêu thụ và lên rừng tìm cây khôi nhung và cây trà hoa vàng về trồng thử nghiệm.

Sau mấy tháng trồng, thấy cây phát triển tốt, tôi tiếp tục nhân giống và mở rộng diện tích trồng hết diện tích đất dưới tán rừng của gia đình”.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng và cây khôi nhung không khó và cả 2 loại cây này đều không ưa sáng, thích hợp trồng dưới tán rừng.

Từ lúc trồng đến khi cây cao từ 0,8 m đến 1 m thì cứ một tháng bón phân một lần và có thể dùng phân NPK hoặc phân chuồng, phân hữu cơ bón lót; tốc độ sinh trưởng của cây tốt, ít nấm bệnh, khả năng đề kháng cao và cho nhiều hoa.

img

 

Anh Vũ Quyết Thắng – Chủ nhiệm HTX Dược liệu Bình An, xã Xuân Long (thứ 2 từ trái sang), huyện Yên Bình, tỉnh Yên bên khu rừng trồng cây trà hoa vàng, trồng cây khôi nhung của gia đình. Cây trà hoa vàng, cây khôi nhung đều là cây dược liệu quý bán hoa, bán lá đắt tiền.

 

Nếu chăm sóc tốt, cây khôi nhung 1 năm đã cho thu hoạch, còn trà hoa vàng sau 3 năm trồng sẽ bắt đầu cho hoa.

Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi và cây càng lâu năm thì hoa càng nhiều. Với 2 ha trồng trà hoa vàng và khôi nhung, mỗi năm gia đình anh Thắng thu 10 kg hoa trà khô và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng; lá trà thu được từ 50 – 100 triệu đồng; cây khôi nhung cho thu trên 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, anh Thắng còn ươm và bán cây trà hoa vàng và cây khôi nhung giống thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng.

 

Từ hiệu quả của cây khôi nhung, cây trà hoa vàng của gia đình anh Vũ Quyết Thắng, nhiều hộ ở Xuân Long đã học hỏi kinh nghiệm trồng 2 loại cây dược liệu này trên diện tích rừng của gia đình.

 

Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Bình An được thành lập với 7 thành viên do anh Vũ Quyết Thắng làm Chủ nhiệm. Các thành viên đã liên kết sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng và hiện nay, HTX đã phát triển lên 30 thành viên.

 

Bà Nguyễn Thị Hoa – thành viên HTX Dược liệu Bình An cho biết: “Tham gia HTX, gia đình tôi đã trồng cây khôi nhung dưới tán rừng mỡ, keo từ năm 2020 với diện tích 1,5 ha. Năm 2021, cây khôi nhung được thu hoạch với giá bán 170 – 220.000 đồng/kg lá khô, cho thu trên 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi sẽ trồng xen trà hoa vàng vào diện tích rừng để tăng thu nhập”.

 

Theo tính toán của các hộ tham gia trồng trà hoa vàng và khôi nhung, lợi ích thu được cao gấp 5 lần so với chỉ trồng một loại cây gỗ lớn. Cùng đó, việc phát triển sinh kế từ cây trà hoa vàng và cây khôi nhung đã góp phần tạo sự đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Hiện xã Xuân Long có trên 40 ha cây dược liệu; trong đó, gần 10 ha trà hoa vàng tập trung tại thôn 7. Mỗi năm, thu nhập từ cây dược liệu đạt trên 2 tỷ đồng.

 

Để giúp các hộ dân vươn lên làm giàu, đạt và vượt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý, những năm qua, xã Xuân Long tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) cho biết: người dân xã Xuân Long sống chủ là yếu dựa vào phát triển nông lâm nghiệp; trong đó, diện tích đất trồng rừng là 2.000 ha.

Từ hiệu quả kinh tế của cây trà hoa vàng và cây khôi nhung đem lại, địa phương sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; thành lập các cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm dược liệu đặc trưng của xã đáp ứng nhu cầu thị trường.