Thành công ngay vụ đầu tiên
Sau thời gian ở nhà làm kinh doanh tự do, không ổn định, thu nhập bấp bênh, anh Nguyễn Doãn Vũ đã khăn gói cùng người anh họ vào Bình Dương để học hỏi làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trở về quê, với ý chí quyết tâm, được sự ủng hộ người thân, anh Vũ đã mạnh dạn “cắm” sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng hơn 500 triệu để khởi nghiệp.
Gia đình không có diện tích đất phù hợp, anh Vũ phải thuê lại diện tích đất nông nghiệp của người dân trong thôn. Được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các hộ dân, năm 2022, anh thuê 1,5 ha đất trồng màu kém hiệu quả để triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.
Số vốn hiện có trong tay, anh Vũ đầu tư xây dựng 1 nhà màng khép kín diện tích 2000m2, thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, bên trong đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel. Tháng 6 năm đó, vụ dưa lưới đầu tiên được xuống giống.
“Khó khăn lúc bắt đầu khởi nghiệp, chính là nguồn vốn và kỹ thuật, nhưng được sự ủng hộ gia đình, chính quyền địa phương. Đặc biệt, về kỹ thuật, được người anh họ có kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa lưới ở miền Nam hướng dẫn nên khá yên tâm.
Vụ dưa lưới đầu tiên dù năng suất chưa cao nhưng đã giúp cho tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong những vụ tiếp theo”, anh Vũ chia sẻ.
Anh Nguyễn Doãn Vũ tiếp tục mạnh dạn mở rộng quy mô lên 4 nhà màng, diện tích mỗi nhà màng 2000m2, tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng. Chính sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, anh Vũ ngày càng tự tin hơn với hướng phát triển kinh tế mà mình đã lựa chọn.
“Ăn, ngủ” cùng dưa
Anh Nguyễn Doãn Vũ, cho biết: “Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm”.
“trồng dưa lưới trong nhà màng, kỹ thuật đòi hỏi khá khắt khe, trong suốt quá trình canh tác dưa lưới, hầu như giai đoạn nào cũng quan trọng nên người trồng phải chủ động một bước trong phòng ngừa dịch bệnh. Tùy vào từng thời điểm trong năm, tình hình dịch bệnh khác nhau.
Mùa mưa, cây dưa lưới dễ bị nấm gây hại. Mùa nắng, dưa lưới dễ bị rầy phấn trắng gây hại. Để cây dưa lưới phát triển thuận lợi, người trồng phải ghi chép cẩn thận các loại đối tượng dịch hại ở từng mùa trong năm, từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả”, a Vũ bật mí.
Theo kinh nghiệm của anh Vũ, để phòng ngừa tốt sâu bệnh hại trong suốt cả vụ, người trồng cần làm tốt khâu xử lý đất trồng, vệ sinh nhà màng ngay từ đầu vụ. Cây dưa lưới chỉ hút dinh dưỡng từ đất, cả quá trình không phun tưới lên cây, nên mọi chế độ dinh dưỡng đều được pha chế đúng kỹ thuật, đi theo đường nước tưới cắm trực tiếp xuống đất cạnh mỗi gốc cây.
Đối với cây dưa lưới, vào thời điểm ra hoa, mỗi nhà màng anh Vũ thả 1 đàn ong khoảng 8-10 cầu ong vào để thụ phấn, 3-5 ngày sau khi việc thụ phấn cho đợt hoa chính kết thúc, ong được đưa ra khỏi nhà màng.
Việc lựa chọn quả để lại trên cây rất quan trọng, thường được tuyển chon 2 lần, lần đầu, lựa chọn chỉ để lại 4-5 quả, lần 2, sau 3 ngày khi quả đã đậu chắc chắn, tiếp tục kiểm tra, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi, thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả và phòng tránh dịch bệnh.
“Bỏ túi” nửa tỷ mỗi năm
Theo anh Vũ, kinh nghiệm sau nhiều vụ sản xuất, giống dưa lưới TL3 dễ trồng, sức sống mạnh, kháng bệnh tốt, thịt quả màu cam, mịn, giòn, rất ngọt và thơm, vỏ cứng nên giữ được lâu sau thu hoạch. Giống dưa lưới TL3, mỗi quả chỉ nặng 1,2-1,5 kg, giá 20-25 nghìn đồng/kg, hợp với túi tiền nhiều khách hàng.
“Hiện nay, thị trường tiêu thụ lượng dưa tại cơ sở chủ yếu chợ đầu mối ở thành phố Vinh, các chợ bán lẽ và các cửa hàng hoa quả trong tỉnh. Với sự tin tưởng khách hàng, thành thông lệ, sắp thu hoạch, tôi chỉ lấy mẫu, dùng máy đo độ ngọt của quả dưa, gửi cho các thương lái, rồi khách đăng ký số lượng, đến ngày hẹn có dưa cung cấp đến tận nơi cho khách hàng”, a Vũ cho biết.
Hiện 4 nhà màng trồng giống dưa lưới TL3, mỗi vụ cho sản lượng 20-25 tấn quả, trừ chi phí cho thu nhập 150-170 triệu đồng. Bình quân mỗi năm 3 vụ, mang lại lợi nhuận 450-500 triệu đồng/năm.
Mô hình tạo việc làm ổn định cho 2 người dân địa phương, mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, mùa thu hoạch có thể lên đến 7-10 nhân công thời vụ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Chiểu -Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho biết: “Anh Nguyễn Doãn Vũ là thanh niên có ý chí quyết tâm làm giàu trên chính quê hương bằng con đường sản xuất nông nghiệp, tấm gương cho nhiều thanh niên và người dân tại địa phương học tập. Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương”.
“Từ thành công mô hình của anh Nguyễn Doãn Vũ, chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động các hộ dân có diện tích đất màu kém hiệu quả, cùng nhau thành lập các tổ hợp tác để có có điều kiện về nguồn vốn. Trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác xây dựng nhân rộng mô hình này nhằm tạo sản phẩm nông sản mang tính hàng hóa, đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đình Chiểu -Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho hay.