Những ngày này, gia đình ông Lê Chí Dũng, trú thôn Bình Minh, xã Phong Bình, huyện Gio Linh đang chuẩn bị thu hoạch cá leo.
Ông Lê Chí Dũng (bên trái) vui mừng khi nuôi cá leo thành công, mang lại thu nhập khá cao cho gia đình. Ảnh: Ngọc Vũ.
Dù gương mặt đã nhăn nheo, mồ hôi đầm đìa giữa cái nắng 39 độ C nhưng ông Dũng vẫn cười nói rộn ràng, chia sẻ niềm vui thắng lợi vụ nuôi cá leo năm nay.
Ông Dũng cho biết, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giữa tháng 4/2024 ông thả nuôi 2.400 con cá leo giống (cỡ 75 con/kg) trong diện tích 120m3 nước tại hồ Hà Thượng.
Đến nay, sau 4 tháng nuôi, cá leo của ông Dũng đạt trọng lượng 1,3kg/con, vượt đàn lên tới 1,8kg/con.
Ông Dũng cho hay, với giá bán 85.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ tất cả các chi phí gồm giống cá, thức ăn, vitamin C, vôi, làm lồng, nhân công và một số chi phí khác, ông có lãi 35 triệu đồng. Vụ sau sẽ giảm chi phí đầu tư bởi vì đã có sẵn lồng nuôi.
Lồng nuôi cá leo của ông Dũng được đặt ở hồ Hà Thượng. Ông Dũng cho biết, sẽ mở rộng quy mô nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Vũ.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá leo trong lồng, ông Dũng cho biết, trước tiên phải chọn vùng nước sạch sẽ. Khung lồng được làm bằng ống sắt.
Toàn bộ khung được cố định bằng dây neo 4 góc, hệ thống phao nổi làm bằng các thùng phuy nhựa gắn xung quanh lồng để đảm bảo lồng nuôi nổi trên mặt nước 20cm.
Lưới lồng được làm bằng lưới HPE (Hight polyethylene) có độ bền cao, kích cỡ mắt lưới 1cm. Túi lưới được cố định bằng các dây giềng, 4 góc đáy có 4 dây để buộc chì, giúp cho túi lưới luôn được định hình trong nước, không bị thu hẹp diện tích.
Mặt trên của lồng thiết kế nắp lưới để ngăn không cho cá ra ngoài. Khi nuôi cần thường xuyên kiểm tra, tránh rác thải, sinh vật bám vào lưới làm giảm khả năng trao đổi nước của lồng nuôi.
Cá giống cần chọn con khoẻ mạnh, không dị hình, không xây xát, đuôi và râu không bị bạc màu, kích cỡ đồng đều.
Không chỉ nuôi cá leo thành công, ông Dũng (ngoài cùng bên trái) còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những người muốn tham quan, học hỏi. Ảnh: Ngọc Vũ.
Cá leo là loại ăn tạp, nên thức ăn cho cá leo có thể ăn các loại như cá biển, cá nước ngọt… và có thể sử dụng thêm thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm tiêu hoá từ 25% – 35%. Theo ông Dũng, ở khu vực lòng hồ, nông dân có thể lắp đặt hệ thống lưới chàn để bắt cá tự nhiên làm thức ăn cho cá leo, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Ông Dũng cho cá leo ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều muộn, lượng thức ăn buổi chiều chiếm 65%. Cần bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá leo.
Cá leo là loại cá hung dữ nên khi nuôi phải cho ăn đầy đủ. Nếu bị bỏ đói, cá leo sẽ tấn công lẫn nhau. Khi nuôi cần giảm tối đa việc xáo trộn môi trường bởi cá sẽ bỏ ăn, ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng.
Gia đình anh Trần Đức Dũng (trú thôn Xung Phong, xã miền núi Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh) cũng thành công với việc nuôi cá leo trong lồng ở hồ Bảo Đài. Anh Dũng cho biết, trước đây chỉ quen với nuôi cá diêu hồng, trắm cỏ, cá chép. Những loài cá này có nhiều người nuôi, sản lượng lớn dẫn đến khó tiêu thụ.
Để đa dạng hoá đối tượng nuôi, anh Dũng đã nhờ cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá leo trong lồng, với quy mô 200m3.
Nuôi cá leo là hướng đi mới, mở ra cơ hội tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho nông dân Quảng Trị. Tuy nhiên, việc nuôi cá leo hay bất cứ loại thuỷ sản nào cũng cần theo quy hoạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, không nên nuôi trồng tràn lan, tránh trường hợp “được mùa mất giá”, khó tìm đầu ra sản phẩm. Ảnh: Ngọc Vũ.
Anh Dũng cho biết, bản thân luôn tuân thủ quy trình, vì vậy cứ sau 4 tháng nuôi, trọng lượng bình quân cá leo đạt 1,2kg/con, vượt đàn đạt 2,5kg/con. Với gia cá leo như hiện nay, trừ tất cả chi phí, mỗi vụ nuôi gia đình anh Dũng có lãi khoảng 65 triệu đồng.
Có kinh nghiệm nuôi cá leo 5 năm, anh Trần Đức Tuấn (SN 1980, trú thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh) cho biết, với 4 hồ, tổng diện tích 10.000m2, anh thả nuôi 20.000 con giống, mỗi lần thả cách nhau một giời gian nhất định.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cùng thời gian thả nuôi hợp lý nên sản lượng cá leo của anh Tuấn sản xuất rất nhiều nhưng không đáng lo về đầu ra. Hiện nay, anh Tuấn trực tiếp thu hoạch cá và cung cấp cá leo cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, mỗi năm lãi khoảng 300 triệu đồng.
Ông Phan Văn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ, đập, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có một số loại cá như cá leo, cá chình, cá lăng chấm… Cá leo có ưu điểm tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, giá trị kinh tế khá cáo. So với cá trắm, mè, chép, rô phi… thì cá leo là đối tượng nuôi mới đầy triển vọng, hứa hẹnsẽ giúp nông dân “mở cửa làm giàu”.