Mô hình trên đặt ra mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi ở những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, nhằm hạn chế rủi ro bệnh dịch, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập cho người dân, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Là hộ duy nhất trực tiếp thực hiện mô hình, anh Trương Hữu Tâm (SN 1987, ở thôn Vinh Quang 2) cho biết: Tôi nuôi tổng hợp 3 loại tôm, cua, cá ở ao nhà rộng 1 ha đã 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thật hài lòng. Triển khai mô hình này, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch, thu nhập có nhiều khả năng tăng thêm nếu biết cách tổ chức tốt để đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Sau một tháng thả nuôi, con giống đang phát triển tốt, lớn hơn những lần trước tôi tự thả. Tiếp tục nuôi đúng như quy trình được hướng dẫn chắc chắn tôm, cua, cá sẽ phát triển tốt hơn nữa, chất lượng sản phẩm thu hoạch sẽ cao hơn trước rất nhiều.
Du khách ngồi trên chòi ngay trong ao, tự câu, tự chế biến theo hướng dẫn… trải nghiệm thú vị này hy vọng sẽ thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.
Theo chị Hồ Thị Thân Thương, chủ nhiệm HTX thương mại và dịch vụ Cồn Chim Xanh, có thâm niên nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng ngập mặn trong nhiều năm nhưng nhiều xã viên chưa từng nghĩ đến khả năng kết hợp làm du lịch như mô hình anh Tâm đang triển khai.
Vì vậy những tín hiệu tích cực đầu tiên khiến họ rất quan tâm. Không dễ thay đổi thói quen sản xuất của bà con, cho nên việc không chỉ xã viên HTX mà cả nhiều bà con bên ngoài cũng nhiệt tình tham dự tập huấn và chia sẻ dự định sẽ triển khai những điều học được trong thời gian tới, theo tôi là chuyển động rất tích cực.
Khách du lịch hào hứng trải nghiệm thả lưới trên ao nuôi thủy sản dưới rừng ngập mặn của anh Tâm, nông dân xã xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: HTX Cồn Chim Xanh
Theo Th.S Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản đang là xu thế của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trung tâm có kế hoạch tổ chức 2 lớp tập huấn để trang bị cho người dân kỹ thuật cải tạo ao nuôi, chọn con giống, thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi…
Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ hệ sinh thái cây ngập mặn, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái vùng nuôi, hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.
Để tham gia mô hình, nhất là khi tổ chức các hoạt động du lịch trên đầm Thị Nại, người dân phải tuân thủ các quy định như: Cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm, chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, có chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, niêm yết giá, thu gom rác thải để xử lý…
“Trung tâm kỳ vọng mô hình mang lại hiệu quả tốt hơn về kinh tế, thu hút nhiều bà con quan tâm, triển khai, nhân rộng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và thay đổi những thói quen không tốt trong nuôi trồng lâu nay…”, ông Hùng chia sẻ.