Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Bình Phước, nuôi heo mát tay, trồng cao su mà thu tiền tỷ

Người dân ấp Chà Lon, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước thán phục anh Lâm Văn Giàng với mô hình nuôi heo, trồng cao su mà thu tiền tỷ. Họ gọi anh bằng cái tên đậm chất dân tộc thiểu số-A Giàng. Anh Lâm Văn Giàng được bình bọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.

Chàng thanh niên dân tộc Tày…lái heo giữa đất đỏ miền Đông

Thật vất vả, suốt 2 ngày rong ruổi khắp những cánh rừng cao su bạt ngàn của huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, tôi mới tiếp cận được anh Lâm Văn Giàng (sinh 1968) – còn gọi là A Giàng-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.

Với vóc người nhỏ nhắn, nhưng khuôn mặt luôn toát lên sự hoạt bát, thông minh; ngay từ phút đầu tiên A Giàng đã cuốn hút tôi với những câu chuyện cắt lát, về hành trình từ mưu sinh đến khi trở thành “tỷ phú cao su” của bản thân anh.

Ngược thời gian gần 40 năm trước, trở về những năm 80 của thế kỷ trước, chàng thanh niên Lâm Văn Giang theo bố mẹ từ tỉnh Cao Bằng, gánh gồng đồ đạc để vào tỉnh Sông Bé (cũ) – nay là tỉnh Bình Phước – để lập nghiệp.

Nông dân sản xuất giỏi Lâm Văn Giàng: Khởi nghiệp lái heo, thành… tỷ phú cây cao su - Ảnh 1.

Anh Lâm Văn Giàng-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ tỉnh Bình Phước tại một cánh rừng cao su thuộc sở hữu của gia đình. Ảnh: Đông Anh

A Giàng kể: “Trước khi theo bố mẹ vào nam, năm 17 tuổi, tôi có thời gian xuống Hà Nội ở nhờ nhà ông chú để đi học. Ngày đó còn bao cấp, khổ lắm, cái khó không bó được cái khôn, tôi lăn xả vào đời tìm mọi cách để kiếm sống.

Hàng ngày, một buổi đi học, một buổi, tôi nấu kẹo kéo để bán rong tại các rạp chiếu bóng quốc doanh. Nhờ đó có đồng vô đồng ra sống qua ngày, đỡ lệ thuộc bố mẹ. Những ngày sống ở Hà Nội đã tôi rèn cho mình cái tính chịu cực, chịu khổ, bươn chãi kiếm sống”.

Nông dân sản xuất giỏi Lâm Văn Giàng: Khởi nghiệp lái heo, thành… tỷ phú cây cao su - Ảnh 2.

Khởi nghiệp lái heo, đến nay, anh Lâm Văn Giàng đã tự xây dựng cho gia đình một trại nuôi heo, với quy mô 1.000 con. Ảnh: Đông Anh

Rồi, khi theo bố mẹ vào vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ lập nghiệp, A Giàng hết sức bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước sự trù phú, màu mỡ của đất đai, của rừng rú vùng đất mới này…

Ngày ấy, đất đai ở tỉnh Sông Bé bạt ngàn, người dân tha hồ khai phá làm rẫy, làm vườn. Cả gia đình A Giàng ngày đêm vỡ đất, khai hoang, trồng trọt trên vùng đất mới. Năm 1988, khi vừa tròn 20 tuổi, A Giang cưới vợ.

Bố mẹ A Giàng cho vợ chồng anh 1ha đất rẫy, 2 sào ruộng để trồng lúa và 1 con trâu, coi như của hồi môn để vợ chồng A Giàng ra riêng. “Ngay thời điểm đó, tôi rất thích đầu tư đất đai. Có lẽ mình mạng thổ, nên cái số luôn gắn với đất đai. Vợ chồng tích cóp được bao nhiêu tiền, tôi mua thêm đất vườn, đất rẫy” – A Giàng nói.

Nông dân sản xuất giỏi Lâm Văn Giàng: Khởi nghiệp lái heo, thành… tỷ phú cây cao su - Ảnh 3.

Hiện vườn cao su của gia đình anh Lâm Văn Giàng có tổng diện tích gần 60 ha, tại xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đông Anh

Vì thế, từ 1ha đất rẫy bố mẹ cho làm vốn, vợ chồng A Giàng trồng ớt, trồng chanh, dựng chuồng nuôi heo, nuôi gà…

Tới năm 2010, A Giàng đã sở hữu hơn 18ha đất rẫy. Tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn ý chí làm giàu, A Giàng tiếp tục mày mò tìm kế làm ăn mới. “Ngày đó, thấy có người buôn heo, buôn trâu bò có lãi. Thế là tôi giao hết vườn tược, việc nhà cho vợ quản lý. Tôi tập tọe đi … buôn heo.

Chả mấy chốc, thành ông lái heo. Hàng ngày, cứ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu mua heo hơi về bán cho các lò mổ ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Nhờ tiền buôn heo, buôn trâu bò mà tôi tích cóp để mua thêm đất ở xã Minh Đức – nơi gia đình mình lập nghiệp” – A Giàng kể.

“Tỷ phú cao su”

Anh Giàng cho biết, tới lúc vườn đất mênh mông, vợ ở nhà quản không xuể, A Giáng gác việc buôn heo và trở về nhà canh tác, thành người nông dân chính hiệu.

Số đất đai có được, A Giàng dành hẳn hơn 10ha trồng cao su và 7ha để trồng điều. Ngày ngày, người dân ấp Chà Lon, xã Minh Đức lại thấy ông nông dân người dân tộc Tày nhỏ thó lên rẫy làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến chiều tối.

A Giàng kể: “Anh có biết không, tôi làm việc chăm chỉ mà không hề biết mệt mỏi là gì. Sáng sớm, bà con hàng xóm lên rẫy làm thì đã thấy tôi có mặt ở rẫy từ lúc nào.

Cuối ngày, người ta về nhà hết, thì trên rẫy còn lại mỗi mình tôi, tôi là người về sau cùng”. Điều mọi người thán phục ở người đàn ông say việc này là tự tay anh cầm cuốc, cầm rựa phát từng cây cỏ, mà không thuê bất kỳ nhân công nào.

Nông dân sản xuất giỏi Lâm Văn Giàng: Khởi nghiệp lái heo, thành… tỷ phú cây cao su - Ảnh 4.

Rất nhiều năm, anh Lâm Văn Giàng trực tiếp lao động, đổ mồ hôi, tốn nhiều công sức, mới tạo được rừng cao su rộng lớn như hiện nay. Ảnh: Đông Anh

Để trồng được những vườn cao su có thể cho mủ, A Giàng phải trải qua biết bao thăng trầm, gian khổ. Trên từng gốc cao su, mỗi gốc điều, thấm đẫm mồ hôi, công sức lao động của vợ chồng A Giàng.

Đến khi đưa cây cao su vào khai thác lấy mủ, giá cả trồi sụt của thị trường lại như thách đố đối với anh. “Khi giá mủ cao su xuống thấp, quá thấp, người ta khuyên tôi chặt cao su trồng loại cây khác có giá hơn như hồ tiêu, cây điều… chẳng hạn. Nhưng nhìn những cây cao su vạm vỡ, đánh đổi bằng biết bao ngày tháng làm việc, tôi không nỡ đốn hạ.

Trái lại, cố gắng đắp đổi để giữ gìn bằng được những vườn cao su. Tương tự, vườn điều cũng thế, trong khi người ta chặt điều, khi giá điều xuống; còn tôi không theo phong trào vẫn quyết tâm giữ điều, chung thủy với vườn điều.

Nhờ thế mà có năm giá điều lên, giá cao su xuống, mình lấy điều bù đắp cho cao su. Có năm giá cao su lên, thất bát mùa điều, thì mình lấy cao su bù đắp cho điều” – A Giàng chia sẻ.

Chưa hết, nhờ khoảng thời gian lái heo, A Giàng có thêm rất nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi heo. Thế là ý tưởng hình thành một trại nuôi heo ấp ủ trong đầu A Giàng.

Năm 2011, vợ chồng A Giàng bỏ vốn xây dựng hẳn một trại heo, với quy mô khoảng 1.000 con. Mỗi lứa heo xuất chuồng, A Giàng xuất bình quân 800 – 1.000 con; đồng thời, anh lại gây giống nuôi tiếp 1.000 con cho lứa tiếp theo.

Ngoài ra, A Giàng còn mở cho gia đình một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trung tâm thị trấn xã Minh Đức. Cho đến hôm nay, vợ chồng A Giàng đã sở hữu gần 70ha vườn cao su, vườn điều và 1 trại nuôi heo. Người dân ấp Chà Lon ví von anh Lâm Văn Giàng bằng những biệt danh: “Tỷ phú” chân đất, “Tỷ phú” cây cao su A Giàng…

A Giàng cho biết, hiện nay, gia đình anh tạo công ăn việc làm cho 25 lao động ở địa phương. Hàng năm, gia đình A Giàng thu hoạch gần 80 tấn mủ cao su, khoảng 30 tấn hạt điều thô, 260 tấn heo thị, 100 con heo nái… Chưa hết, “tỷ phú” A Giàng còn đầu tư mua máy xúc, xe tải để làm dịch vụ, khi người dân địa phương có nhu cầu làm đường, cuốc hố trồng cao su, đắp móng xây nhà, hay san lấp mặt bằng.

Hết lòng vì cộng đồng

Một người hàng xóm nói với tôi rằng: A Giàng chân chất như khoai như sắn. Nhìn A Giàng, rất khó biết ông ấy là “tỷ phủ”, là người giàu nhất cái ấp Chà Lon, với tài sản là hàng chục héc-ta cao su, điều… A Giàng lúc nào cũng như ông nông dân; bởi thời gian của A Giàng là luôn gắn với vườn tược, trại heo, xe xúc, xe đào…

Tìm gặp ông ấy rất khó, vì điện thoại ông ấy rất ít nghe. Vì xuất thân từ nghèo khó, nên hôm nay, có dư dã, A Giàng lại mở lòng trở lại giúp đỡ những người nghèo khó như anh thuở hàn vi.

Những lao động làm việc cho A Giàng, hầu hết là người quen. Có trường hợp, anh nhận cả gia đình như vợ chồng anh Nguyễn Phú Trọng – chị Hoàng Thị Nguyễn, về làm cho mình.

Nông dân sản xuất giỏi Lâm Văn Giàng: Khởi nghiệp lái heo, thành… tỷ phú cây cao su - Ảnh 5.

Anh Lâm Văn Giàng tại trại heo của gia đình ở ấp Chà Lon, xã Minh Đức. Ảnh: Đông Anh

Biết được tình cảnh 5 anh chị em mồ côi Hoàng Thị Thương, A Giàng tìm mọi cách tạo điều kiện để họ có việc làm, thu nhập… Bởi vậy, có không ít người, vì cảm, vì mến tấm lòng của vợ chồng A Giàng, mà họ gắn bó, làm việc cho A Giàng cả chục năm trời như chị Dương Thị Minh, Nguyễn Thị Tâm…

Phát biểu với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phố – Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức – cho biết: “Anh Lâm Văn Giàng là người dân tộc Tày, từ Cao Bằng vào lập nghiệp tại vùng đất miền Đông. Từ một người nghèo khó, với bản tính chịu thương chụi khó, cần mẫn lao động, anh ấy đã tạo cho mình cơ ngơi như hiện nay, bằng chính mồ hôi, sức lao động của anh ấy và mọi người trong gia đình.

Anh Giàng là tấm gương Nông dân sản xuất giỏi điển hình của địa phương, mà chúng tôi luôn lấy làm hình mẫu để khuyến khích bà con, những hội viên nông dân khác học tập, noi theo”.

Theo bà Nguyễn Thị Phố, không chỉ sản xuất, làm kinh tế giỏi cho gia đình, anh Lâm Văn Giàng còn là hộ nông dân điển hình luôn ủng hộ, đóng góp cho cộng đồng, mỗi khi chính quyền địa phương yêu cầu. Ví dụ: Ủng hộ kinh phí làm đường giao thông nông thôn (25 triệu đồng), đóng góp cho công tác vệ sinh môi trường (8,3 triệu đồng), đóng góp làm hệ thống chiếu sáng, camera đường giao thông nông thôn (10 triệu đồng).v.v…

Từ những thành tích xuất sắc nêu trên, anh Lâm Văn Giàng từng được Hội Nông dân tỉnh Bình Phước trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

Từ năm 2008, anh Lâm Văn Giàng đã được tín nhiệm làm Chi hội trưởng nông dân ấp Chà Lon. Năm 2010, anh Giàng được kết nạp Đảng. Năm 2015, Lâm Văn Giàng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2012, tại Đại hội Hội Nông dân nhiệm kỳ 2012-2017, anh Giàng được bầu làm Phó chủ tịch Hội nông dân xã Minh Đức với số phiếu rất cao.

A Giàng còn nhận được bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước năm 2022; danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2021; Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước năm 2022, do có thành tích xuất sắc, trong phong trào thi đua “Hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2017 – 2021…

Có được tiền đồ hôm nay, A Giàng cho rằng không phải do may mắn mà có được. Trái lại, nó là sự đánh đổi qua bao năm tháng làm việc, lao động khổ cực của bản thân anh và người trong gia đình.

“Tôi cũng gặp thất bại rất nhiều, nhưng tôi không nản chí. Với tôi nản chí mới là thất bại. Mỗi lần thất bại tôi lại càng cố gắng hoàn thiện cái mình chưa có, chưa được và tuyệt nhiên không bằng lòng với hiện tại. Nếu trước kia tôi làm nhiều hơn nghĩ, thì bây giờ tôi đã có nhiều thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống. Tôi mong con cái trưởng thành và tôi có thể làm được nhiều việc hơn để đóng góp cho xã hội”.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).