Nghịch lý bất động sản gần đại lộ Thăng Long: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã

Hạ tầng thoát nước kém, hễ trời mưa là ngập lụt, nhưng khó hiểu thay, giá bất động sản ở các dự án phía Tây Hà Nội, dọc hai bên đại lộ Thăng Long vẫn không ngừng tăng cao.

Giá bất động sản phía Tây Hà Nội tăng quá nhanh

Mỗi khi mưa lớn, khu vực phía Tây Hà Nội, nhất là dọc theo đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông… rất dễ bị ngập lụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tồn tại nghịch lý là, giá bất động sản tại khu vực này lại không ngừng tăng cao.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 1.

Khu vực phía Tây Hà Nội cứ mưa là ngập. Ảnh: Phạm Hưng

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, từ 2021 đến nay, tốc độ tăng giá của căn hộ phía Tây Hà Nội cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7 – 15%. Từ đầu năm 2024 trở lại đây, giá bất động sản từ 90 – 100 triệu đồng/m2 là mức trung bình tại vị trí gần với đại lộ Thăng Long.

Đơn cử, trong bối cảnh thanh khoản của thị trường bất động sản chưa hồi phục, dự án Lumi Hà Nội có vị trí gần ngay đường đại lộ Thăng Long vừa ghi nhận con số booking kỷ lục lên tới hàng nghìn. Mức giá chào bán của dự án này ở ngưỡng 66 – 82 triệu đồng/m2, có thể còn cao hơn nữa tùy vào căn hộ và vị trí. Theo nhiều môi giới bất động sản quảng cáo, giá của dự án còn tăng tới 10 – 15% trong 1 năm tới, tiếp tục xác lập mặt bằng giá mới tại thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 2.

Xung quanh các dự án bất động sản phía Tây Hà Nội là những tuyến đường chìm trong nước. Ảnh: Phạm Hưng

Anh Bảo Tú, nhà đầu tư bất động sản nhiều năm kinh nghiệm cho biết, thực chất dự án Lumi Hà Nội bị đẩy lên mức quá cao. Giao thông đi lại cũng không thuận tiện, thậm chí những ngày mưa thì chắc chắn sẽ ngập.

“Bỏ ra mức giá như vậy để sở hữu căn nhà ở nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 15 km hoặc di chuyển vào khu vực trung tâm quận Cầu Giấy hoặc quận Thanh Xuân cũng phải mất khoảng 30 phút. Những mùa mưa thì xác định đi lại tắc đường, thậm chí mưa kéo dài thì sẽ ngập. Tôi thấy mua để ở hay để đầu tư cũng không xứng đáng khi bỏ ra số tiền như vậy”, anh Tú chia sẻ.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 3.

Dự án Lumi ở ven đại lộ Thăng Long có đông đảo lực lượng môi giới thi nhau bán hàng. Ảnh: Phạm Hưng

Chị Nguyễn Ngọc Hà, 39 tuổi, chủ một sàn môi giới bất động sản chia sẻ, giá nhà đất tăng mạnh trong nhiều trường hợp do lực lượng môi giới tập trung càng đông thì khả năng tăng giá càng mạnh. “Dân đầu tư lướt sóng thường nhìn, khu vực nào, dự án nào đông môi giới tập trung làm việc sẽ thả tiền vào đấy. Môi giới đông, thị trường sẽ sôi động, nhưng giá sẽ ảo, người mua ở thật sẽ phải gánh chịu chi phí tăng giá”, chị Hà tiết lộ.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 4.

Nhiều biệt thự/liền kề ở khu vực Hoài Đức cứ đến mùa mưa là bị bao quanh bởi biển nước. Ảnh: Phạm Hưng

Nhiều người dân sinh sống tại các dự án, khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh, Geleximco, Vinhomes Smart City, khu đô thị Nam Cường, Hà Đô Charm Villas, Splendora… cho biết, cứ mưa kéo dài là lại xảy ra ngập úng, nhất là đường gom đại lộ Thăng Long giao với đường Lê Trọng Tấn. Hạ tầng thoát nước kém là vậy nhưng trong từ đầu năm 2024, giá chung cư tại khu vực này đã bị đẩy lên cao ở mức 70 – 90 triệu đồng/m2 khiến người có nhu cầu ở thật rất khó mua nhà.

Bên cạnh tình trạng giá chung cư tăng mạnh đến mức phi lý thì giá các biệt thự, liền kề thứ cấp tại đây cũng tương tự, tăng giá gấp 3 lần từ đầu năm 2021 từ mức 40 – 50 triệu đồng/m2 đến nay 150 – 180 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số dự án mở bán mới đang đẩy lên ngưỡng 200 triệu đồng/m2.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 5.

Hạ tầng kém, thường xuyên ngập lụt nhưng giá chung cư, đất nền ở phía Tây Hà Nội vẫn tăng một cách khó hiểu. Ảnh: Hưng Phạm

Cứ mưa là ngập mà giá bất động sản vẫn cao chót vót

Nhiều chuyên gia quy hoạch cho biết, việc hạ tầng thiếu đồng bộ, khiến mưa to là ngập, một phần do đường gom đại lộ Thăng Long thiết kế thoát nước tự nhiên không có hệ thống thu gom, các kênh tiêu quanh khu vực bị bồi lấp giảm khả năng thoát nước. Nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều dự án sử dụng đất tại đây chậm tiến độ khiến hạ tầng kỹ thuật chưa được khớp nối.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 6.

Người dân di chuyển rất khó khăn vào những ngày mưa kéo dài. Ảnh: Phạm Hưng

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, ngoài mưa lớn kéo dài thì nguyên nhân khu phía Tây Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng bị ngập nghiêm trọng đến từ hệ thống thoát nước có vấn đề.

“Hệ thống thoát nước mưa ở khu vực này hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị với trục thoát nước chính bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trục chính cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, đưa tới tình trạng mưa lớn là ngập nặng”, ông Nghiêm chia sẻ.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 7.

Giá bán căn hộ chung cư ở Lumi và một số dự án khác bị đẩy lên khá cao. Ảnh: Phạm Hưng

Anh Đức Hải, môi giới bất động sản Hà Nội cho biết, nguyên nhân khiến cho nhiều căn biệt thự, liền kề, shophouse nằm tại các khu đô thị dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn khu vực huyện Hoài Đức đã được xây dựng hàng chục năm nay nhưng hiện vẫn còn bỏ hoang là do cứ mưa là ngập úng kéo dài nhiều ngày.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, giá bất động sản ở một số nơi có tình trạng nhảy múa, tăng vọt, trong đó có “sự góp sức” của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp cũng cố tình “tiếp tay” đẩy giá, thổi giá nhằm hưởng lợi, không phục vụ cho phát triển của các địa phương.

Nghịch lý bất động sản phía Tây Hà Nội: Hễ mưa là ngập nhưng giá lại tăng phi mã - Ảnh 8.

Giá bất động sản phía Tây Hà Nội tăng cao nhưng hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước lại kém. Ảnh: Phạm Hưng

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc giá bất động sản bị đẩy lên quá cao không tương xứng với giá trị thực, người mua nên thận trọng. Bởi giá bất động sản thường đi kèm với chất lượng hạ tầng kỹ thuật, nhiều người không tìm hiểu kỹ dễ bị rơi vào bẫy quảng cáo, “thổi giá” của đối tượng “cò mồi”, đầu cơ.