Lục bình, cây ngoại lai hoang dã có hại nay dân lại có tiền
Tại vùng nông thôn của thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, người dân từ lâu đã biết tận dụng cây lục bình sống trên các kênh rạch làm nguyên liệu đan thành các sản phẩm như túi sách, thảm nhà…rất thân thiện với môi trường.
Hiện nay, nghề đan đát các sản phẩm từ cây lục bình đang giúp bà con có thêm công ăn việc làm tại gia trong những lúc nông nhàn, làm tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Ông Mã Thanh Sơn, ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề đan lục bình khoảng 5 năm nay.
“Nông dân vùng này chỉ làm 2 vụ lúa/năm, nên thời gian nhàn rỗi còn khá nhiều, vì vậy mà địa phương phát triển mô hình đan lục bình để tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, ngoài việc canh tác diện tích 2ha đất trồng lúa của gia đình, nhà ông có 3 người tham gia đan lục bình, mỗi năm kiếm thêm thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
“Gia đình tôi một tuần đan từ 240-300 khuông, sau khi trừ tiền nguyên liệu, hàng tháng còn được HTX trả trên 8 triệu đồng”, ông Sơn cho biết thêm.
Ông Mã Thanh Sơn, ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm cho biết nghề đan đát các sản phẩm từ cây lục bình-cây ngoại lai hoang dã này đã giúp cho gia đình ông có thêm nguồn thu vài chục triệu đồng/năm. Ảnh: Hồng HHồng
Theo bà con nông dân thị xã Ngã Năm, đây là nghề rất phù hợp với lao động nhàn rỗi tại địa phương. Gia đình nào chịu làm sẽ có cuộc sống ổn định hơn so với việc bỏ quê lên các thành phố làm công nhân.
Ngành nông nghiệp thị xã Ngã Năm cho biết, địa phương có kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, cùng với sự đầu tư về hạ tầng, thuỷ lợi, giao thông từng bước hoàn chỉnh đã đáp ứng tốt cho việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân.
Thế nhưng, đối với hộ gia đình ít tư liệu sản xuất, hộ khó khăn thì có thêm một công việc để làm tại nhà lúc nhàn rỗi là hết sức cần thiết. Mô hình đan đát lục bình vừa giải quyết việc làm để bà con không phải rời quê đi làm ăn xa, vừa tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Phạm Thị Giang, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình cho biết, gia đình chỉ sản xuất 5 công ruộng, nhưng phải nuôi 3 đứa con nhỏ, kinh tế gia đình những năm trước đây không đủ trang trải cuộc sống.
“Gần 3 năm nay, khi học xong nghề đan đát lục bình, tôi được nhận nguyên liệu về gia công cho HTX của địa phương, mỗi ngày tôi kiếm thêm thu nhập trên 150.000 đồng” chị Giang nói và cho biết, nguồn thu nhập này giúp đời sống gia đình được đảm bảo hơn.
Giàu chả mong chứ kiếm tiền chợ thì dễ
Bà con ở vùng nông thôn thị xã Ngã Năm chia sẻ thêm, nghề đan lục bình rất nhẹ nhàng, chỉ cần học nghề, khéo tay, chịu khó là có thể kiếm thêm thu nhập, già trẻ đều có thể làm được.
“Tui làm nghề này có thu nhập một ngày cũng 90.000 đồng, ngày nào cũng có được tiền, khỏi xin con cháu”, bà Nguyễn Thị Mai (68 tuổi) ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình nói trong nụ cười hiền.
Chị Nguyễn Kim Liên – Chủ nhiệm HTX đan đát lục bình Hương Liên ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình cho biết, HTX của chị có khoảng 350 xã viên tham gia đan lục bình. Trước khi tham gia HTX, bà con được học nghề đan đát với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
“Khi thạo nghề, bà con được nhận nguyên liệu về gia công nên rất thuận lợi. Mỗi tuần HTX sẽ thu gom sản phẩm một lần với số lượng từ 12.000 -13.000 sản phẩm để giao cho đối tác”, chị Liên nói và cho biết, nghề này rất phù hợp với chị em phụ nữ ở nông thôn.
Nghề đan lục bình đang là mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân ở thị xã Ngã Năm. Từ mô hình này, đã giúp người lao động nhàn rỗi ở có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Đây cũng là mô hình được chính quyền thị xã Ngã Năm quan tâm nhân rộng, nhằm giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.