Liều trồng thứ cây mới lạ, ai ngờ vườn nhà ông nông dân Phú Thọ treo đầy trái, hái thu 400 trăm triệu/vụ

Ông Lê Xuân Cương, nông dân xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là người đầu tiên ở tỉnh dám liều trồng cây mắc ca. Cây mắc ca là cây mới lạ ở đất Phú Thọ. Cây này ra quả lấy hạt ăn thơm ngon, bổ dưỡng, ví như “Nữ hoàng quả khô”.

Người đầu tiên “bén duyên” với “nữ hoàng quả khô”-cây mắc ca

Lâm Thao là huyện đồng bằng, với nhiều thế mạnh và được coi là “vựa” lương thực với cây trồng chủ lực lúa, ngô, đậu đỗ, khoai lang, khoai tây, chuối, các loại rau màu của tỉnh Phú Thọ.

Lão nông Lê Xuân Cương (SN 1961) ở khu 3, xã Vĩnh Lại đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang cây mắc ca, mang nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chục năm nay.

Lão nông trồng cây mắc ca đầu tiên Phú Thọ thu sòn sòn trăm triệu mỗi vụ - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Cương ở xã Vĩnh Lại là nông dân đầu tiên trồng cây mắc ca quy mô hàng hóa ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những ngày này, cả vườn cây mắc ca rộng lớn ở xã Vĩnh Lại đang bước vào vụ thu hoạch, với chất lượng, sản lượng quả đạt cao.

Ông Lê Văn Cương vừa cùng mọi người trong gia đình rộn ràng, cười nói thu hoạch mắc ca, vừa bảo rằng, mắc ca chín đều quá, đập là quả rụng đầy.

 

Một điều rất đặc biệt, ông Cương là nông dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ trồng cây mắc ca theo mô hình quy mô hàng hóa.

Vườn mắc ca của gia đình ông Cương đang là vườn mắc ca nhiều tuổi nhất của tỉnh Phú Thọ, cho năng suất ổn định và thu nhập tốt. Ông Cương kể lại, năm 2010 khi xem tivi, ông mới lần đầu tiên biết đến cây mắc ca.

“Tôi không nhớ chính xác tên chương trình phát trên tivi về cây mắc ca lúc đó. Nhưng ấn tượng, nhớ mãi hình ảnh chuyên gia Nguyễn Lân Hùng giới thiệu cây mắc ca đến bà con. Tin tưởng nhà khoa học, tôi đã lập tức quan tâm đến cây mắc ca và tìm tòi nhiều thông tin trên báo, đài về loại cây này.

Sau đó chỉ thời gian ngắn, vào tháng 9/2011, một mình đi trên chiếc xe máy cà tàng, cũ rích, hỏi thăm sang tận trại giống Ba Vì (Hà Nội) để mua những cây mắc ca đầu tiên về trồng trên ruộng đồng quê hương”, ông Cương nhớ lại.

Lão nông trồng cây mắc ca đầu tiên Phú Thọ thu sòn sòn trăm triệu mỗi vụ - Ảnh 2.

Để tăng giá trị sản phẩm mắc ca, ông Cương đầu tư hệ thống dây chuyển công nghệ sơ chế như máy tách vỏ quả, phân loại hạt, máy sấy hạ ẩm, sấy hạt… Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo lời lão nông Lê Văn Cương, khởi điểm mô hình trồng mắc ca, gia đình ông gom hết vốn liếng mới chỉ đủ mua được 200 cây mắc ca của Trung tâm nghiên cứu giống cây lâm nghiệp ở Ba Vì về trồng trên diện tích 6.000m2 tại khu vực đồng Đường, xã Vĩnh Lại.

 

“Lúc đấy rất hiếm người biết về cây mắc ca. Bà con xung quanh ai cũng tò mò tôi trồng cây gì”, ông Cương nói.

Theo lời ông Cương, đến năm thứ 3, cây mắc ca trồng bắt đầu ra bói quả nhưng gia đình ông chưa để quả thu hoạch mà vặt bỏ đi, để tập trung nuôi cây mắc ca cho ra tán khỏe.

Năm kế tiếp, khi mắc ca ra quả, ông Cương vẫn cẩn thận tỉa quả, chỉ để thu hoạch một lượng quả rất ít. Từ năm thứ 6 trở đi, vườn trồng 200 gốc mắc ca bắt đầu cho quả thu hoạch đều.

“Quả mắc ca thu hoạch có hàm lượng dinh dưỡng cao, để được lâu, không sợ bị hư hỏng. Phấn khởi nhất, thị trường rất ưa chuộng sản phẩm mắc ca nên hái đến đâu, bán hết đến đó. Ngay từ vụ đầu tiên, tôi nhớ đã bán được giá hơn 150,000 đồng/kg, niềm vui không tưởng với gia đình một người nông dân như tôi”, ông Cương vui vẻ nói.

Lão nông trồng cây mắc ca đầu tiên Phú Thọ thu sòn sòn trăm triệu mỗi vụ - Ảnh 3.

Sản phẩm hạt mắc ca khô của hộ ông Cương bán ra thị trường giá 250-300,000 đồng/kg. Ảnh: Hoan Nguyễn

Nhận thấy giá trị tiềm năng của cây mắc ca, ông Cương một mặt tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mở rộng thêm diện tích trồng, một mặt không ngừng tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm chăm sóc tốt cho cây mắc ca phát triển đạt chất lượng quả năng suất cao.

 

Đến nay, vườn cây mắc ca của gia đình lão nông Cương thân cây đã to, cành nhánh cao phủ bóng rộng. Sau 13 năm, hiện vườn mắc ca đã mang dáng dấp một khu vườn rừng rợp bóng, dưới đất không còn cỏ mọc.

Ông Cương đánh giá, với nông dân vùng đồng bằng chuyên sản xuất lúa, ngô, khoai…, trồng mắc ca mang lại thu nhập ổn định, hơn nhiều lần so với cây trồng truyền thồng, mang đến làn gió mới mẻ, trù phú cho đất quê hương Lâm Thao.

“Cây mắc ca là cây sống rất lâu, dễ chăm sóc. Cây sau năm thứ 5 trồng mới cho năng suất ổn định. Đến nay, cây mắc ca trồng của gia đình đã mở rộng trên diện tích lên 1,5ha, với hơn 300 cây. Trong đó có gần 200 cây đang cho thu hoạch đạt sản lượng cao. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch hơn 10kg hạt khô, với giá bán 250.000 – 300.000 đồng/kg; từ đó mang về lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Thị trường ưa chuộng nên sản phẩm hạt mắc ca của gia đình thu hoạch không đủ bán. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng mắc ca của gia đình tôi”, ông Cương nhấn mạnh.

Để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca, cùng với thực hiện trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ông Cương đã đầu tư một số thiết bị, máy móc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sơ chế, chế biến ban đầu như máy tách vỏ quả, phân loại hạt, máy sấy hạ ẩm, sấy hạt, khía hạt…

Hạt mắc ca xã Vĩnh Lại xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP

Sau hơn chục năm gắn bó với cây mắc ca, lão nông dân Lê Văn Cương rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Đầu tiên, đó là chọn giống chuẩn và kỹ thuật trồng đúng. Theo ông Cương, có hộ nông dân trồng mắc ca không thành công do chọn giống không chuẩn, cây lâu ra quả hoặc ra quả nhỏ, lép, giá trị kinh tế không cao.

 

Đồng thời, ông Cương đưa ra lời khuyên, lưu ý bà con nông dân khi trồng cây mắc ca phải đảm bảo khoảng cách giữa các gốc, đảm bảo đủ ánh sáng cho toàn vườn, tránh tình trạng trồng mau, tán cây giao nhau khiến vườn trồng giảm năng suất.

Ngoài ra, cây mắc ca chăm sóc đơn giản, phân bón ít nhưng cần quan sát vườn thật kỹ để phòng ngừa bệnh thường xuyên. Với giá cả mắc ca ổn định từ nhiều năm nay, người nông dân sẽ có nguồn thu lãi rất tốt với một chi phí sản xuất hợp lý.

Bà Đặng Thị Thu Hiền – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lâm Thao cho biết, lão nông Lê Văn Cương là một nông dân hết sức tiến bộ của xã.

Ông Cương đã đi đầu trong việc đưa giống cây rất mới – mắc ca về trồng quy mô lớn ở xã. Từ thành công của mô hình hộ ông Cương, nhiều hộ dân trong khu vực đã mạnh dạn trồng cây mắc ca xen trong vườn trồng cây công nghiệp ngắn ngày, tạo sinh cảnh đẹp, bảo vệ môi trường, vừa tăng thu nhập.

Lão nông trồng cây mắc ca đầu tiên Phú Thọ thu sòn sòn trăm triệu mỗi vụ - Ảnh 4.

Huyện Lâm Thao đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng, công nhận sản phẩm mắc ca của hộ ông Lê Văn Cương đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Cương cũng là hộ nông dân thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăm sóc mắc ca. Vườn mắc ca của ông đang phối hợp cùng ngành nông nghiệp địa phương thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây, sản xuất theo hướng hữu cơ; nhằm tìm ra kỹ thuật quản lý dịch hại hiệu quả, chuyển giao cho người nông dân.

 

Ông Vương Văn Ưng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho rằng, cây mắc ca là cây trồng mới nhưng qua đánh giá cho thấy sự phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Thành công của lão nông Cương đã chứng minh hiệu quả kinh tế của “nữ hoàng quả khô” mắc ca vốn trồng ở vùng cao, đất trống đồi trọc trên vùng đất đồng bằng Lâm Thao.

Huyện Lâm Thao cũng đã định hướng xây dựng sản phẩm hạt mắc ca của xã Vĩnh Lại trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương; hỗ trợ cho xã một số trang thiết bị về máy móc, cơ sở vật chất, cây giống… để mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm.

“Với hiệu quả mang lại của mô hình, xã Vĩnh Lại đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đăng ký sản phẩm hạt mắc ca của hộ ông Cương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm nay, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn minh, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo những sản vật đặc trưng, phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lâm Thao”, ông Ưng nhấn mạnh.