Hàng xóm nhà sát vách nhau, khi một bên xây dựng nhà làm ảnh hưởng đến gia đình bên cạnh thì mâu thuẫn nảy sinh. Hòa giải ở địa phương bất thành, họ đâm đơn ra tòa kiện đòi bồi thường.
Tình làng nghĩa xóm quan trọng hơn tiền bạc. Sau này hai bên gia đình đi ra đi vào còn nhìn mặt nhau. Nếu cứ căng thẳng kiện tụng thì mệt mỏi kéo dài không biết bao giờ chấm dứt?
Hội đồng xét xử TAND TP.HCM
Đầu năm 2016, ông Nguyễn Kiến Thành (47 tuổi) tiến hành xây nhà mới tại khu phố 3, phường Tam Bình, quận Thủ Đức (TP.HCM) sau khi được cấp phép.
Việc xây nhà tưởng là niềm vui nhưng ngược lại đã kéo theo vụ kiện kéo dài gần 3 năm nay giữa ông Thành và hàng xóm, khiến cả hai bên đều mệt mỏi.
Hai bên buộc nhau bồi thường
Trình bày tại tòa, bà Phạm Thị Ngọc (56 tuổi, hàng xóm của ông Thành) và đại diện ủy quyền cho biết kể từ tháng 5-2016, khi ông Thành tiến hành thi công ép cọc xây nhà đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà bà. Cụ thể, nhà bà bị rung chấn mạnh, tường bị rách ra khoảng 5-8cm, tách nghiêng cả khối theo chiều dọc với nhiều vết nứt lớn, gạch men bị rớt ra…
Khi vụ việc xảy ra, gia đình bà Ngọc đã báo với UBND phường Tam Bình. Quá trình giải quyết khiếu nại của bà Ngọc, UBND phường có mời đơn vị kiểm định đến khảo sát sơ bộ hiện trường. Đơn vị kiểm định ghi nhận tường nhà bà Ngọc bị thấm, nứt nhiều vị trí, nhà có xu hướng nghiêng tách.
Cho rằng ông Thành không hợp tác kiểm định khiến vụ việc bị kéo dài, bà Ngọc đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Thành bồi thường thiệt hại tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, bao gồm chi phí sửa chữa nhà, thiệt hại về tinh thần, chi phí kiểm định, chi phí khắc phục hậu quả… Phía nguyên đơn cho rằng việc ông Thành thi công ép cọc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà bà.
Bên cạnh đó, chi phí khắc phục thiệt hại là có thật, có hóa đơn chứng từ. Theo bà Ngọc, căn nhà bà lúc đầu không có nguy hại gì, nay bỗng dưng bị thiệt hại nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên đang cư trú trong căn nhà.
Không đồng tình với ý kiến của bà Ngọc, ông Thành cho rằng việc ông thi công ép cọc công trình không làm ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Vì vậy, ông không đồng ý bồi thường. Bên cạnh đó, ông Thành còn cho rằng hàng xóm khiếu nại đã gây khó khăn cho việc xây dựng của ông. Gia đình bà Ngọc còn có lời lẽ xúc phạm gia đình ông. Do đó, ông đã có đơn phản tố yêu cầu bà Ngọc phải bồi thường thiệt hại về vật chất (do phải thuê nhà ở 3 tháng) và thiệt hại tinh thần với số tiền là 71 triệu đồng.
Đầu năm 2019, khi xét xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức đã căn cứ vào chứng thư thẩm định của công ty giám định. Cụ thể, kết quả thẩm định cho thấy căn nhà bà Ngọc bị nghiêng lún phần lớn do yếu tố ngoại lực tác động. Việc nghiêng lún này phù hơp với việc thi công công trình nhà ông Thành gây ra. Một số đoạn tường nhà bà Ngọc bị nứt kết cấu và rạn nứt bề mặt, thấm ố, bong tróc sơn… Tổng cộng chi phí khắc phục nghiêng lún là khoảng 184 triệu đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc, tuyên ông Thành phải bồi thường cho bà số tiền 184 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Đối với các yêu cầu khác, hội đồng xét xử cho rằng căn nhà của bà Ngọc vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng bình thường. Thực tế bà Ngọc vẫn kinh doanh và sinh sống ổn định tại căn nhà, không có thiệt hại gì nghiêm trọng về tinh thần. Hơn nữa, bà Ngọc cũng không có căn cứ gì chứng minh mình bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do việc đóng cọc thi công công trình nhà gây ra.
Nguyên đơn cho rằng tổn thất tinh thần là cảm giác hoang mang, không có tổn hại cụ thể nên tòa không có căn cứ chấp nhận. Đơn phản tố của ông Thành yêu cầu bà Ngọc bồi thường cũng không được tòa chấp nhận.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều lần lượt kháng cáo.
Tình làng nghĩa xóm quan trọng hơn
Phiên xét xử phúc thẩm vừa diễn ra ở TAND TP.HCM. Tại tòa, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều gay gắt bảo vệ quan điểm của mình, không ai chịu nhường ai. Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát đã thay nhau động viên các bên nên hòa giải. “Tình làng nghĩa xóm quan trọng hơn tiền bạc. Sau này, hai bên gia đình đi ra đi vào còn nhìn mặt nhau. Nếu cứ căng thẳng kiện tụng thì mệt mỏi kéo dài không biết bao giờ chấm dứt”.
Sau khi nghe tòa phân tích như vậy, cả hai bên đã đồng ý hòa giải. Cụ thể, ông Thành đồng ý bồi thường cho bà Ngọc số tiền 150 triệu đồng để sửa chữa nhà, bồi thường 60 triệu đồng phí tổn thất tinh thần. Về chi phí thẩm định, hai bên thống nhất ông Thành sẽ chịu 30 triệu đồng, bà Ngọc chịu 12 triệu đồng. Chiều cùng ngày, nguyên đơn và bị đơn đã giao nhận tiền và ký biên bản hòa giải trong vui vẻ.
Trên thực tế, TAND các tỉnh, TP trên cả nước đã xét xử nhiều vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại về xây dựng như vụ kiện nêu trên. Nguyên đơn, bị đơn đều là hàng xóm nhưng do tổn thất về kinh tế, do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã khởi kiện nhờ tòa phân xử.
TAND tỉnh Kiên Giang cũng từng xét xử một vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là ông L.H.C. (58 tuổi) với bị đơn là bà T.T.T. (40 tuổi, cùng ngụ tại TP Rạch Giá). Lý do, khi bà T. đập phá tường để sửa nhà đã làm nhà ông C. bị hư hỏng nặng. Ông C. có thông báo cho bà T. việc tường nhà mình bị hư hỏng nhưng bà T. không có thiện chí khắc phục. Ông C. đã làm đơn gửi chính quyền địa phương. Giữa hai bên đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Sau đó, ông C. khởi kiện ra tòa yêu cầu bà T. phải bồi thường thiệt hại về tài sản do nứt tường và tổn thất tinh thần cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng.
Không đồng tình với yêu cầu của hàng xóm, bà T. cho rằng khi mua nhà, bà có sửa chữa, tháo dỡ tôn và đập bỏ một phần tường phía trên nóc nhà nên làm vương vãi rất ít vữa. Bà và thợ có qua nhà ông T. xem và xin trét lại nhưng con gái ông C. nói không cần trét. Ngoài ra trong quá trình sửa chữa, do bà chưa xử lý kịp phần khe giáp ranh giữa nhà bà và ông C. nên nước mưa chảy qua khe làm thấm tường nhà hai bên, sau đó bà đã kịp thời xử lý.
“Tôi không xây mới, không đóng cọc, không làm gì mạnh nên không thể làm nứt tường nhà ông C. được. Do đó, tôi không đồng ý với kết quả giám định mà chỉ đồng ý bồi thường cho ông C. 500.000 đồng”- bà T. nói ở tòa.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP Rạch Giá đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C., tuyên buộc bà T. phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 8,7 triệu đồng là chi phí sửa chữa nhà. Ngoài ra, bà T. còn phải chịu án phí và phí giám định hơn 5 triệu đồng.
Sau đó, bà T. đã kháng cáo với lý do kết quả giám định chưa chỉ ra nguyên nhân khiến nhà ông C. bị hư hỏng. Đơn kháng cáo của bà T. đã bị TAND tỉnh Kiên Giang bác bỏ. Theo tòa, việc bà T. xây dựng nhà khiến nhà ông C. bị ảnh hưởng, do đó bà phải chịu chi phí sửa chữa nhà cho ông C. là hợp lý.
Mất tiền bồi thường, phải chịu cả phí giám định, án phí
Theo quy định, khi giải quyết các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do xây dựng, các cơ quan sẽ mời đơn vị thẩm định thiệt hại do việc xây dựng gây ra. Đơn vị thẩm định cũng sẽ đưa ra số tiền dự tính để khắc phục hậu quả.
Dựa trên kết quả thẩm định và các chứng cứ khác, tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người bị thiệt hại, tuyên buộc chủ công trình xây dựng phải bồi thường cho hàng xóm để khắc phục hậu quả.
Trong vụ kiện của bà Phạm Thị Ngọc, tòa án nhận định ông Thành có lỗi gây thiệt hại về tài sản cho hàng xóm nên phải chịu chi phí giám định. Cả nguyên đơn và bị đơn đều phải chịu án phí trên tổng số tiền yêu cầu bồi thường nhưng không được tòa chấp nhận. Cụ thể, ông Thành phải chịu án phí 11 triệu đồng, bà Ngọc chịu án phí 1,7 triệu đồng.