Cắt cỏ gianh (cỏ tranh) vừa có tiền lại có việc làm
Đơn vị đứng ra thu gom các sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ gianh cho bà con là HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú. Theo chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, trước đây bà con người Mường có nghề đan lát.
Bà con người Mường ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã biết cách khai thác cỏ gianh để làm đồ thủ công mĩ nghệ. Ảnh: VL
Khi đó họ dùng nguyên liệu cỏ tế và song mây để đan dụng cụ, vật trang trí. Quy mô sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, nên chưa mang lại thu nhập lớn.
Từ khi chuyển sang dùng nguyên liệu cỏ gianh để đan đồ mĩ nghệ, nó đã trở thành nghề có thu nhập ổn định.
Từ năm 2020, có một doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến đặt hàng HTX đan vật dụng, con thú từ cỏ gianh. Thứ cỏ mọc hoang trên đồi, từng là nỗi ám ảnh của bà con làm vườn, giờ được dùng để sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ. Mỗi năm HTX xuất đi cả vạn sản phẩm khác nhau.
Những sản phẩm mĩ nghệ xinh xắn được tạo nên bởi cỏ gianh. Ảnh: VL.
Người dân ở xã Phong Phú giờ đã biết khai thác nguồn cỏ này để “biến” nó thành tiền. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường, nhiều sản phẩm độc đáo được hình thành. Chị Bùi Thị Quỳnh ở xóm Mường Lồ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc chia sẻ: “Em còn có con nhỏ nên không thể đi làm ăn xa đươc. Do vậy em tham gia vào HTX làm hàng thủ công mỹ nghệ có được thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Công việc này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình”.
Bà con có thể trồng cỏ gianh để làm giàu
Từ khi HTX nhận được đơn hàng đan cỏ gianh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, nhiều lao động khác cũng có thêm thu nhập nhờ việc đi khai thác cỏ gianh ngoài tự nhiên. Giá thu mua của HTX là 7.000đ/1kg cỏ gianh khô. Cứ 10kg cỏ tươi, thu được 5kg cỏ khô.
Nghề làm thủ công mỹ nghệ của HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã có từ 20 năm và đang tạo việc làm cho 600 lao động. 90% lao động của HTX là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới HTX tiếp tục liên kết với nhiều đơn vị tìm kiếm nhiều đơn hàng hơn nữa để chị em có thêm việc làm tăng thêm thu nhập.
Do lượng cỏ gianh ngoài tự nhiên ngày một hiếm, việc khai thác cũng đang bị cạn kiệt. HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã lên kế hoạch trồng cỏ gianh trên diện rộng. Cây cỏ gianh mọc đầy ngoài đồi, ngoài núi ở xứ Mường.
Trước đây, bà con người Mường thường khai thác cỏ gianh để lợp nhà, rễ cỏ gianh làm thuốc. “Do nguồn nguyên liệu cỏ gianh ngày một khan hiếm, nên HTX đang tìm đất để trồng khoảng 20-30 ha. Có như vậy mới đủ nguyên liệu cho xuất khẩu”, chị Bảy cho biết thêm.