Giáng hương thuộc nhóm gỗ IIA quý hiếm, cấm khai thác. Lâu nay, cứ nghĩ vì sự quý hiếm, đắt đỏ nên giáng hương đã “dạt” vào thung sâu, rừng rậm. Thế nhưng, khi đến vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), suy nghĩ ấy trong tôi đã quay ngoắt.
Trong vườn, trên rẫy đều thấy một loại cây cổ thụ
Người Vân Kiều gọi giáng hương là “xa rưi”, trong khi người Pa Kô chỉ gọn một từ “trưi”.
Ở vùng Lìa, không chỉ trong “rừng ma” (nơi chôn cất người chết) mà trong vườn, trên rẫy đều thấy giáng hương hiện diện. Dường như đi đâu cũng thấy, nhất là các xã ở vùng Lìa như: Thuận, Thanh, Hướng Lộc, Lìa, A Dơi…
Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, bảo ngày trước, trên địa bàn giáng hương nhiều vô kể. Nhiều cây phải đến vài người ôm, bóng ngả che nửa quả đồi.
Có thời điểm, nhiều người trong xã túc tắc vung rìu đốn hạ giáng hương đưa về làm củi. Mà chẳng cần phải đi xa để tìm, trên những cánh rừng thưa quanh bản làng đâu đâu cũng thấy giáng hương.
Ngôi nhà dài truyền thống được làm bằng gỗ giáng hương của gia đình ông Hồ Văn Ép, vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Sau này, vì công cuộc khai hoang cùng tập quán du canh nên giáng hương nhường chỗ dần cho lúa, ngô, khoai, sắn và cây công nghiệp. Tuy vậy, trên địa bàn vẫn còn rất nhiều giáng hương, đặc biệt là trong các khu “rừng ma” và rẫy, vườn của người dân. ‘
Có nhà sở hữu đến hàng chục cây cổ thụ-cây giáng hương, nhà ít nhất cũng được vài cây lớn, bé. Phần lớn cây mọc tự nhiên và tái sinh từ những cây cũ bị chặt phá trước đó.
Men theo chỉ dẫn của phó chủ tịch UBND xã Lìa, căn nhà sàn rợp bóng giáng hương của ông Hồ Xuân Deng (78 tuổi, ngụ thôn A Quan) dần hiện ra. Tại vườn nhà ông Deng có hàng chục cây giáng hương cổ thụ. Mỗi cây phải 1 – 2 người ôm mới xuể. Số cây này do ông đào từ rẫy đưa về trồng, cũng đã gần 30 năm qua.
Thời gian qua, nhiều người tìm đến tận nhà trả giá, ngỏ ý mua cả gốc lẫn cây nhưng ông Deng từ chối. Ai đến hỏi mua, trước nay ông đều lắc đầu, dứt khoát: “Tôi để dành cho con cháu, không bán đâu”. Không chỉ ông Deng, mà nhiều người dân ở vùng Lìa cũng trả lời như vậy khi có người đến ngã giá, hỏi mua.
Mỗi trưa nắng, người đàn ông 78 tuổi, thân vạm vỡ như gốc giáng hương này vẫn thường mắc võng dưới tán cây nằm nghỉ. Lắm lúc, ông nhìn xa xăm về phía núi xa như để hoài niệm những ngày xưa.
Ông bảo ngày trước tuy vùng Lìa rừng thưa nhưng có nhiều cây gỗ quý cổ thụ, đặc biệt là giáng hương. Vì thế, lắm người đến khai thác, thu mua. Dần dà rừng ngày càng lùi xa, gỗ quý 3 – 4 người ôm vắng bóng dần.
“Tiếc lắm. Tôi bỏ công đưa giáng hương về trồng cũng chỉ để đỡ nhớ những cánh rừng xưa, chứ bản thân có tính toán lợi ích gì đâu” – ông Deng lý giải cho cái nhìn xa xăm của mình.
Leo dốc bở hơi tai cũng đến rẫy của ông Hồ Văn Còm (47 tuổi; ngụ thôn Kỳ Tăng, xã Lìa). Tại rẫy của ông Còm có hơn 60 cây giáng hương mọc tự nhiên. Ông khoe đến mùa, hoa giáng hương nở li ti, thơm phức núi đồi. Cứ mùa hoa qua thì cây kết quả. Giáng hương ở vùng Lìa thuộc loài quả to, cây càng nhiều năm tuổi thì gỗ càng đỏ và bền.
Nơi linh thiêng, không xâm phạm
Ông Nguyễn Minh Hiền – Trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực Lao Bảo, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa – thông tin trên địa bàn 7 xã vùng Lìa chỉ có hơn 1.000 ha rừng tự nhiên. Riêng “rừng ma” có hàng chục khu, với diện tích khoảng 150 ha rừng.
Ở vùng Lìa, không chỉ giáng hương mà nhiều loài gỗ quý khác như trắc, muồng đen cũng hiện diện. Đặc biệt là trong các khu “rừng ma”. Hóa ra, vùng đất có diện tích rừng tự nhiên khiêm tốn nhưng lại có lắm loại gỗ quý tồn tại đến vậy.
Xin nói thêm về “rừng ma”. Đây là nơi các dòng họ người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chôn cất người chết. Theo quan niệm của dân địa phương, đây là khu vực linh thiêng, không ai được phép xâm phạm.
Người nào tự ý đốn hạ cây rừng hoặc tác động đến mồ mả chôn cất ở đây thì bị làng phạt rất nặng. Xưa nay cũng lắm người mất bò, mất dê vì tự ý xâm phạm các khu rừng thiêng này.
Một cây cổ thụ-cây giáng hương tự nhiên được người dân vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) giữ lại trước hiên nhà.
“Rừng ma” ở vùng Lìa vì được bảo vệ nghiêm ngặt nên nhiều cây giáng hương cổ thụ vẫn tồn tại. Đơn cử như “rừng ma” thôn Tăng Quan 1, Kỳ Tăng (xã Lìa); “rừng ma” thôn Xa Doan (xã A Dơi) và thôn Úp Ly (xã Thuận)… có cây to đến 3 người ôm, cao hàng chục mét. Người dân quan niệm những gốc cổ thụ này là nơi linh hồn những người đã khuất trú ngụ, vì vậy có cho thì họ cũng chẳng dám cưa hạ, lấy về.
Ông Hồ Văn Phâng (75 tuổi, ngụ thôn Kỳ Tăng) cho biết dòng họ của ông có một khu “rừng ma” khá rộng. Ngày trước, giáng hương có rất nhiều trong khu rừng này.
Tuy nhiên, do đạn bom chiến tranh tàn phá nên nhiều cây ngã đổ. Nay trong khu rừng này vẫn còn một số cây sót lại, gốc to đến 3 người ôm.
“Không những chúng tôi giữ “rừng ma” mà người chết cũng tham gia. “Họ” ký thác, nương tựa vào cổ thụ và âm thầm bảo vệ. Xưa nay, dân bản không ai dám đụng đến bất cứ thứ gì ở trong này, khi chưa được cho phép. Nếu tự ý đặt chân vào sẽ bị phạt rất nặng” – ông Phâng nói.
Cũng bởi nhiều cổ thụ còn sót lại nên “rừng ma” là nơi nhiều lâm tặc nhòm ngó. Như năm 2017, lâm tặc đột nhập “rừng ma” thôn A Rông (xã Lìa) đốn hạ 5 cây gỗ giáng hương hàng chục năm tuổi. Lực lượng kiểm lâm sau đó đã thu giữ được 4 m3 gỗ khi các đối tượng vừa đưa ra khỏi rừng.
Đến nay, đối tượng xuống tay cưa hạ gỗ quý trong “rừng ma” vẫn chưa được làm rõ. Nhiều nghi vấn liên quan dần rơi vào thinh không. Chỉ biết là khi cây bị cưa hạ, nhựa cây rỉ ra đỏ ối, tựa như máu của mẹ rừng. Dân làng không liên quan đến vụ việc, chỉ biết khấn rằng: Ai cưa hạ thì cứ tìm người đó mà hỏi tội thôi…
Khó khăn cũng không bán
Bây giờ, tìm vào vùng Lìa có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn làm bằng gỗ quý như giáng hương, thậm chí cột, kèo có cả gỗ trắc. Trên nương rẫy vẫn còn nhiều gốc giáng hương to lớn, hiếm gặp. Đó là minh chứng rõ nét cho vùng đất được xem như lãnh địa giáng hương này.
Từ thời điểm năm 2008, ngôi nhà của anh em ông Hồ Văn Ép (70 tuổi; ngụ thôn A Máy, xã Lìa) được trả giá đến 300 triệu đồng.
Sở dĩ ngôi nhà này lọt vào “mắt xanh” giới chơi gỗ quý là bởi từ cột, kèo, dầm đến sàn, ván thưng đều làm bằng gỗ giáng hương. Được dựng từ năm 1986, đến nay ngôi nhà này vẫn nguyên vẹn, không hề mối mọt, hư hỏng. Đây là một trong những ngôi nhà độc đáo, hiếm có ở vùng Lìa.
Vợ chồng ông Hồ Văn Deng (vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bên những gốc cây cổ thụ-cây giáng hương cao lớn trong vườn nhà.
Ông Ép nhớ lại thời điểm năm 1986, ở vùng Lìa, giáng hương nhiều lắm. Gia đình ông chỉ hạ khoảng 10 cây giáng hương nhưng cũng đủ làm nên “đung pựt” to lớn. “Đung pựt” là tiếng Pa Kô, có nghĩa là nhà to, nhà chung. Người miền xuôi thì gọi là nhà dài truyền thống. Ngày trước, nhiều thế hệ cùng sinh sống trong những mái nhà dài như thế này.
“Hồi đó, sau gần 2 năm miệt mài thì nhà cũng làm xong. Nhà có 4 gian, gian giữa để thờ ông bà, tổ tiên. Ba gian còn lại là nơi ở của anh em chúng tôi cùng vợ, con, cháu chắt.
Mỗi gian có một bếp lửa riêng. Khi có việc trọng đại, các anh em, con cháu lại kéo về “đung pựt”. Mọi chuyện xích mích từ nhỏ đến bé đều được giải quyết tại đây, dưới sự chứng giám của tổ tiên.
“Đung pựt” thể hiện sự đoàn kết của đại gia đình. Vì vậy, anh em chúng tôi sẽ không bao giờ bán, dù có những lúc khó khăn thật sự” – ông Ép tâm sự.