Vô rừng ở Cà Mau, “thợ săn” lội sình, dầm mình lần bắt một con vật nhìn tưởng con lươn, hóa ra chả phải

Con lịch sống phổ biến ở vùng rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau. Do hình dạng khá giống lươn, thân có nhiều chất nhờn nên người dân địa phương thường bắt lịch bằng cách câu…

Con lịch sống phổ biến ở vùng rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau. Do hình dạng khá giống lươn, thân có nhiều chất nhờn nên người dân địa phương thường bắt lịch bằng cách câu…

Sinh ra lớn lên ở vùng đất ngập mặn, biết câu lịch từ nhỏ nhưng khoảng 4 năm nay, đây là nghề chính để kiếm sống của anh Võ Hoàng Lil ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

“Lịch sống trong hang ven các bờ bao hay trên các trảng đất cạn trong vuông tôm. Chúng có tập quán đi ăn đêm, ban ngày trú trong hang nên thường câu vào ban ngày.

Lưỡi câu lịch đặc biệt hơn lưỡi câu cá là chúng không cần ngạnh. Con lịch thường chỉ bự bằng ngón tay người lớn nên lưỡi câu lịch không quá to. Tôm tép là thức ăn phổ biến của lịch và cũng là mồi câu “bén” nhất.

Lịch được câu bằng cách se trực tiếp mồi vào hang nên các thợ nghề thường dùng dây cước để có độ cứng, dễ se mồi” – anh Lil chia sẻ.

Vô rừng ở Cà Mau, "thợ săn" lội sình, dầm mình lần bắt một con vật nhìn tưởng con lươn, hóa ra chả phải - Ảnh 1.

Mỗi thợ câu lịch (câu con lịch) ở tỉnh Cà Mau kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Với những con lịch háu ăn, khi mồi vừa vào hang khoảng 0,3m, lịch đã cắn mồi. Cũng có những hang lịch phải “ngâm” lại một khoảng thời gian chờ lịch cắn câu. Chính vì vậy, mỗi người thợ hành nghề thường có vài dây câu lịch.

Còn cần câu lịch thì có thể là bất cứ thứ gì miễn có thể chịu được sức kéo của lịch khi ăn mồi. Mỗi ngày, anh Lil thường hành nghề khoảng 4 tiếng đồng hồ vào buổi sáng nhưng kiếm được 200.000-300.000 đồng.

Anh Lê Văn Vô ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cũng nhiều năm gắn bó với nghề câu lịch cho biết: “Đi câu lịch cực ở việc phải lội sình, lang thang trong bìa rừng, vuông tôm chứ để câu được chúng không khó. Khi nước quá lạnh, hoặc quá nóng, lịch sẽ ít bò lên ăn mồi.

Thời điểm câu lịch tốt nhất từ khoảng 7-10 giờ sáng. Điều quan trọng nhất phải xác định đúng hang lịch, tức phải phân biệt được hang lịch với hang của các loài khác.

Sau gần 10 năm đi câu, tôi chỉ cần nhìn qua là nhận diện đúng hang. Lịch có quanh năm nên rảnh thì tôi đi câu, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

Ngoài câu lịch, người dân ở Cà Mau còn bắt lịch bằng cách thụt hang. Thường hang lịch sẽ có từ 3 ngách nên người làm nghề khi phát hiện sẽ dùng tay thọc sâu xuống hang chính, nếu đụng lịch họ sẽ nhanh chóng luồn theo để bắt.

Còn không đụng, lịch sẽ động và chạy vào một trong những ngách còn lại, người bắt bằng kinh nghiệm sẽ biết con lịch ở đâu để bắt bằng tay không.

Con lịch có hình dạng giống lươn nhưng nhỏ hơn, thân chúng cũng có rất nhiều chất nhờn nên rất khó để người bình thường có thể dùng tay bắt chúng trong hang. Tuy nhiên ở Cà Mau vẫn có những thợ nghề thụt lịch chuyên nghiệp.

Ông Ngô Minh Quyền ở xã An Xuyên, TP Cà Mau, (tỉnh Cà Mau) người có thâm niên hơn 10 năm thụt lịch chia sẻ: “Hang lịch sâu trong bùn nhưng mình “rờ” sẽ biết, rồi thọc tay theo hướng con lịch nó di chuyển tới, dí nó tới cùng là bắt được.

Thường từ cửa hang vô trong khoảng 0,3m gặp lịch nhưng đụng là nó chạy. Do đó khi tay mình vừa đụng lịch là phải kẹp chặt liền nó mới không giẫy đi được nữa”.

Ở Cà Mau, con lịch được dùng phổ biến để chế biến thành các món ăn, từ những quán bình dân hay nhà hàng đều có các món phổ biến từ lịch như xào sả ớt, nướng mọi, um rau ngổ hoặc lá nhàu… Hiện lịch thương phẩm có giá trên 100.000 đồng/kg, nên những thợ câu lịch hay người thụt lịch có thể sống được với nghề.