Đặt trúm bắt lươn đồng là một sáng kiến, kinh nghiệm, độc đáo, sáng tạo, đồng thời trong những nghề truyền thống, gắn bó lâu đời với nông dân vùng Cà Mau.
Họ là những “nghệ sĩ” thực thụ, không chỉ hành nghề để vì mưu sinh mà còn duy trì nét văn hoá đặt sắc của một nghề thuần nông không lẫn vào đâu của vùng đất Nam Bộ.
Nếp sinh hoạt văn hóa của nông dân Cà Mau
Hàng năm, cứ vào tháng 6 tới tháng 12, đặt trúm lươn đồng bắt đầu vào mùa khai thác. Đây chính là thời điểm lượng mưa kéo dài, các thảm thực vật trên lâm phần rừng tràm bắt đầu phát triển dày đặc, khi đó lươn theo những thảm thực vật này trú ẩn để bắt mồi.
Theo đó, khoảng 2 – 3 giờ chiều, tại các tuyến kênh xẻ ngang xẻ dọc trong rừng U Minh Hạ, người dân bơi xuồng ba lá chở đầy trúm tỏa ra các hướng.
Mỗi người dò xét từng đám cỏ năng, đám cỏ lác, sau đó là chọn vùng, vạch luồng để cố định đặt trúm lươn.
Theo anh Phạm Duy Khanh – Chủ khu du lịch sinh thái công đồng Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bác, huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau), ống trúm rất dễ làm, chỉ cần chọn cây tre gai già và to cắt khúc dài khoảng 1,05 mét đến 1,1 mét, vì loại tre này vỏ mỏng, chắc.
Đoạn tre được đục thủng, thông nhau, chừa lại mắc chót để giữ lươn khi lươn chui vào, gần đáy trúm được đục một rảnh thông hơi hay dùi 3 hoặc 4 lỗ nhỏ để khi lươn chui vào không bị chết ngộp.
Tuy nhiên, có nơi người ta thay ống trúm tre bằng ống nhựa PVC, vừa nhẹ, vừa bền lại dễ mua vì thời buổi bây giờ, tìm tre gai để làm trúm quả là khó khăn.
Mồi đặt trúm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng cá sặc, cua đồng, nhái, các loại trùng, ốc băm nhuyễn… được nấu chín, cho thêm một ít dầu cá vào rồi gói lại cho vào ống trúm”.
Đặt trúm lươn đồng cần được phát huy và bảo tồn
“Khi đặt trúm cần chọn những nơi có thảm thực vật dày đặc và có nhiều ủ rác, trời mưa đặc trúm chỗ hơi cạn, trời nắng chọn chỗ hơi sâu (cũng không sâu quá, màu nước phải đỏ hoặc nước đục mới có lươn).
Ống trúm phải nghiêng một góc và dùng chính loài thực vật tại chỗ quấn chặt lại; đuôi trúm phải nổi lên mặt nước khoảng 5-7cm thì lươn mới không bị chết” – Anh Khanh chia sẻ.
Anh Huỳnh Vũ Hoàng (37 tuổi, ngụ tại ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nhớ lại, lúc nhỏ ngoài cắp sách đến trường còn là những ngày theo ba đi đặt trúm lươn, bắt cá,.. “tuy cực mà vui”.
Anh Hoàng chia sẻ:“Đặt trúm chọn những chỗ cỏ năng, cỏ lác vàng úa trong rừng tràm, bởi là nơi các loài cá nhỏ thường đến ăn bả do cỏ bã ra, lươn tìm tới để ăn cá.
Vì vậy, đặt miệng trúm xuôi theo chiều gió để hương thơm của mồi theo đó lan rộng ra, chúng mon men ăn rồi chui tọt vào phía trong hom trúm”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, sau một đêm đặt 40 ống trúm, sáng sớm hôm sau theo anh Khanh đi “dỡ” trúm và tháo hom, trút từ trong ống trúm ra những con lươn to bằng hai ngón tay, mình tròn, da vàng rộm, có nhiều trúm có 1 đến 2 con “mắc bẫy”, mỗi đêm có thể kiếm từ 3 đến 5kg, tuỳ thời tiết. Đầu ra của con lươn cũng dễ, thương lái đến tận nhà thu mua 300 ngàn/1kg.
Có thể nói, nghề đặt trúm lươn ở rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa của người dân xứ này, mà còn góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời còn “lôi kéo” du khách gần xa mong một lần ghé đây trải nghiệm.
Do vậy, đặt trúm lươn còn cái thú khác, đó là thưởng thức thành quả do mình bắt được. Lươn bắt về được các mẹ, các chị chế biến những món ăn dân dã mà bổ dưỡng, như lươn um lá nhàu, canh chua lươn, lươn xào sả ớt,… Đặc biệt, lươn nướng mọi kèm với rượu đế là “mồi bén” của cánh đàn ông, thanh niên nơi miền quê thôn dã lẫn thành thị.
“Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi”.