Nhắc đến anh Chu Văn Hạ (sinh năm 1978), hộ nuôi lợn rừng đặc sản thả đồi rừng ở bản Diễn, xã Tam Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) hầu như ai cũng biết.
Bởi anh Chu Văn Hạ là một trong những hộ nuôi lợn rừng đầu tiên và quy mô lớn nhất huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang).
Mô hình nuôi lợn rừng quy mô lớn của gia đình anh Chu Văn Hạ đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cách đây gần 20 năm, tình cờ thăm mô hình nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao của hộ anh Hoàng Thế Quân ở bản Hố Tre (cùng xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), anh Hạ đã nung nấu ý tưởng nuôi con đặc sản có nguồn gốc từ động vật hoang dã này tại gia đình mình để làm kinh tế.
Nghĩ là làm, với lợi thế có sẵn hơn 2 ha đất vườn rừng, năm 2005, anh Chu Văn Hạ cải tạo khu đất trên để trồng cỏ voi, trồng cây chuối rừng và trồng ngô.
Đàn lợn rừng đang kiếm ăn trong rừng nhà anh Chu Văn Hạ, bản Diễn, xã Tam Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Đàn vật nuôi có nguồn gốc hoang dã này lên rừng bứt cỏ, gặm lá cây, dũi đất tìm giun, dế để ăn.
Anh Chu Văn Hạ cho xây dựng khu chuồng nuôi lợn rừng ở chỗ đất cao, dễ thoát nước, chia làm 6 ô nuôi.
Chuồng trại nuôi lợn rừng xây dựng khi đã hoàn thành, anh Chu Văn Hạ đầu tư hơn 70 triệu đồng mua 6 lợn rừng nái và 1 lợn rừng đực về nuôi để gây giống.
Thức ăn cho lợn rừng dễ kiếm nên chi phí chăn nuôi thấp, chủ yếu là cám, ngô, gạo, bã rượu, bã bia, rau củ, thân lá cây ngô, chuối, cỏ voi, cùng các loại cỏ dại v.v..
Anh Hạ cho biết, có thời điểm do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nuôi lợn rừng, đàn lợn nhà anh bị mắc dịch tả và chết khá nhiều.
Không nản chí, anh tiếp tục đi nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật nuôi lợn rừng, kinh nghiệm và tiếp tục đầu tư mua lợn rừng giống về nuôi.
Vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, sau hơn một năm, đàn lợn nhà anh bắt đầu sinh sản, mỗi lứa được 7 lợn con.
Lứa nọ “gối” lứa kia, do vậy, trong chuồng luôn có khoảng 20 lợn rừng sinh sản và hơn 100 lợn thương phẩm.
Mỗi năm, gia đình anh xuất bán hơn 200 lợn giống và khoảng 5 tấn lợn thương phẩm; trừ chi phí cũng mang lại nguồn thu từ 200 đến 500 triệu đồng.
Anh Hạ chia sẻ: “Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là phải nắm vững kỹ thuật; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc chuồng trại.
Đặc biệt, theo anh Chu Văn Hạ, người nuôi lợn rừng phải tiêm phòng đầy đủ, theo định kỳ.
Các loại vắc xin phòng dịch bệnh trên đàn lợn rừng theo từng giai đoạn phát triển của lợn, như các loại vắc xin phòng bệnh cầu trùng, dịch tả kép, sưng phù đầu, vắc xin tai xanh…”.
Ông Đặng Ngọc Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nhận xét: “Gia đình anh Hạ là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã, được nhiều người dân trong và ngoài xã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Ngoài thời gian lùa đàn lợn rừng lên rừng thả rông, anh Hạ còn nuôi nhốt đàn lợn rừng trong các chuồng trại.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các con vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ”.
Ông Phạm Xuân Dương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Yên Thế là huyện miền núi có diện tích đồi bãi rộng, rất phù hợp với phát triển nông, lâm nghiệp. Định hướng của tỉnh và huyện là đưa Yên Thế phát triển xanh, bền vững và an toàn.
Theo định hướng trên, những năm qua, cán bộ, hội viên nông dân huyện đã sôi nổi hưởng ứng phong trào nông dân thi sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân huyện đã định hướng cho bà con nông dân đi sâu vào phát triển các cây, con đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả đến nay toàn huyện có hơn 5 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có cả cấp Trung ương. Riêng xã Tam Tiến có hơn 400 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”.
Với những hướng đi trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới trên địa bàn huyện Yên Thế sẽ có thêm nhiều mô hình nông trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống của người dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.