Căn nhà là thành quả làm việc nỗ lực của cặp vợ chồng trẻ.
Vợ chồng mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ, người trả đứt để không mang áp lực
Vợ chồng Tuyết Mai (SN 1999) và Đăng Trung (SN 1998) mua căn nhà đầu tiên vào năm 2023 ở Tây Mỗ, Hà Nội. Đây là căn hộ 70m2, tổng giá mua và chi phí làm nội thất là hơn 3 tỷ đồng.
Hiện, cặp đôi đang làm quản lý tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, và công ty đã hỗ trợ cho họ vay 30% giá trị căn nhà không tính lãi. Tuyết Mai dự tính trả nợ linh hoạt theo năm khoảng 100-150 triệu mỗi lần.
“Mình quyết định mua nhà vì thấy chẳng thể nào ổn định nếu ở thuê mãi. Vợ chồng mình không có 1 tổ ấm đích thực, hàng tháng còn mất một khoản thuê nhà khá lớn.
Khi lên kế hoạch mua nhà, vợ chồng có cùng mục tiêu cố gắng, mối quan hệ trở nên bền chặt hơn, con cái cũng có môi trường sống tốt hơn” , Tuyết Mai chia sẻ quan điểm mua nhà sau khi lập gia đình.
Tất nhiên, câu chuyện vay nợ mua nhà sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của từng cá nhân hoặc hộ gia đình. Còn về phía gia đình Tuyết Mai, cô cho rằng, khi mua sắm tài sớn lớn thì cần có mục tiêu rõ ràng cụ thể về mong muốn, ví dụ mình kỳ vọng sở hữu nhà năm bao nhiêu tuổi. Từ đó, bạn lên các kế hoạch và phương án tiết kiệm cũng như tối ưu tài chính.
Thời điểm mua nhà càng sớm càng tốt vì giá bất động sản tăng theo thời gian. Cũng vì thế, sở hữu tài sản lớn như một căn hộ cũng giúp nền tảng tài chính của gia đình tốt hơn.
“Mình nghĩ cá nhân nên có khoảng 70% giá trị căn nhà rồi vay nợ để mua. Bởi vì nếu con số thấp hơn, tiền trả lãi hàng tháng sẽ cao hơn khá nhiều, gây áp lực tài chính. Còn nếu chờ tiết kiệm được nhiều tiền hơn, giá nhà có thể đã tăng cao hơn rất nhiều”, Tuyết Mai chia sẻ thêm.
Một trường hợp khác, vợ chồng Phương Anh (SN 1997, nhân viên ngành xuất nhập khẩu) cũng mua đứt nhà ở Hà Nội vào năm ngoái. Đây là căn hộ 65m2, giá 4,2 tỷ đồng. Phương Anh cùng chồng lên kế hoạch mua nhà trong vòng 2 tháng. Lúc đó vợ chồng đã có em bé đầu lòng nên muốn chuẩn bị môi trường sống tốt nhất cho con cái.
Cặp đôi mua nhà hoàn toàn bằng khoản tiền tích lũy từ khi ra trường và mới bắt đầu đi làm. “Quyết định mua nhà không vay trả góp là bởi vì chúng mình đã tích góp đủ, không muốn vay nợ tạo thành áp lực tài chính”, Phương Anh nói.
Sau trải nghiệm mua nhà của bản thân, Phương Anh không đề cao việc có nhiều tiền vẫn đi thuê, dành tiền nhàn rỗi để đầu tư. Bởi đối với một người tỉnh lẻ, đi làm xa nhà ở Hà Nội như cô, sở hữu căn nhà riêng là điều quan trọng nhất.
Cô cho rằng bản thân có rất nhiều thời gian và cơ hội để đầu tư. Mục tiêu đầu tư của mỗi người sẽ phục vụ những nhu cầu cá nhân khác nhau, chẳng hạn trong việc cân nhắc bài toán tài chính để mua nhà.
“Sau khi mua nhà, vợ chồng mình cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Tụi mình thoải mái sắm đồ bản thân thích, có thể mời bạn bè và người thân tới chơi. Vì cuộc sống vốn hơi xô bồ, đặc biệt là ở thủ đô.
Do vậy, thư giãn cùng người thân yêu ở chính ngôi nhà của mình là điều hạnh phúc nhất. Hơn thế nữa, khi có gia đình, đặc biệt khi mình có em bé, sở hữu một căn nhà càng trở nên quan trọng hơn”, Phương Anh bày tỏ.
Cần lưu ý tiêu chí nào khi tìm mua căn hộ?
Một điều đặc biệt là vợ chồng Tuyết Mai chọn mua nhà ở khá xa trung tâm Hà Nội. Vì tính chất công việc của cô nàng linh động, không cố định một nơi, do đó không cần mua nhà ở vùng nội đô.
Mua nhà xa trung tâm thì sẽ có không gian yên tĩnh, dân cư không đông đúc nên môi trường trong lành hơn. Ngoài ra, cô còn có một số tiêu chí khi lựa chọn mua căn nhà đầu tiên là khu chung cư đầy đủ tiện ích, sạch sẽ, môi trường thân thiện. Tiếp đến là diện tích căn nhà vừa đủ cho gia đình trẻ, thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng, tinh tế, ưu tiên căn góc rộng và thoáng đãng.
Trong khi đó, vợ chồng Phương Anh liệt kê một số tiêu chí khi lựa chọn căn nhà đầu tiên, lần lượt là vị trí, môi trường sống, tiện ích, và hàng xóm.
Đầu tiên là căn nhà gần công ty để cô thuận tiện đi làm, đặc biệt trong khoảng thời gian mang thai di chuyển khó khăn hơn. Thứ hai, khu chung cư có khuôn viên nhiều cây xanh, đầy đủ tiện ích phù hợp với gia đình trẻ. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh thuận tiện khi ông bà lên ở cùng, đặc biệt sau khi sinh em bé. Cuối cùng cư dân văn minh, lịch sự tạo ra môi trường sống lành mạnh.
“Vợ chồng mình quyết định mua căn 2 phòng ngủ trước để trải nghiệm xem liệu có phù hợp với nhu cầu gia đình hay không. Tụi mình đều là những người thích trải nghiệm nên đã đặt ra mục tiêu là cố gắng ở khoảng 3-4 năm sẽ thay đổi không gian sống chứ không ở quá lâu trong 1 căn nhà”, cô nàng cho biết.
Tài chính sau khi mua nhà thay đổi như thế nào?
Sau khi mua nhà xong, mọi chi tiêu hàng ngày của gia đình Tuyết Mai và Đặng Trung không thay đổi quá nhiều. Hàng tháng, cặp đôi không cần phải trả tiền thuê nhà, tiết kiệm được một khoản kha khá để trả nợ.
Được biết, trước khi mua nhà, Tuyết Mai và Đăng Trung đã khá kỷ luật trong quản lý chi tiêu. Cô nàng chia sẻ: “Ngay khi nhận lương, vợ chồng mình chia thu nhập thành các khoản nhỏ vào 4 tài khoản ngân hàng cố định bao gồm chi tiêu sinh hoạt, điện nước, gửi bố mẹ, và khoản tiết kiệm. Khi chia thành nhiều tài khoản như vậy, mình sẽ biết hạn mức cho các khoản, không chi tiêu quá tay hay phạm vào các khoản tiết kiệm”.
Về phía gia đình Phương Anh, cô nhận định sau khi mua nhà xong mà không cần vay nợ, họ cảm thấy thoải mái vì không cần trả tiền nhà hàng tháng.
Nói về cách quản lý tài chính, hiện cặp đôi đang kinh doanh và luôn cần xoay vòng vốn. Do vậy để phân biệt rõ các khoản chi tiêu cho kinh doanh và cá nhân, gia đình cô quyết định trích 30% thu nhập hàng tháng để dùng cho những việc lớn như mua nhà, tậu xe bằng cách gửi tiết kiệm online.