Xuất khẩu khỉ cần đáp ứng các điều kiện gì?
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khỉ và đáp ứng được các điều kiện được nêu trong Nghị định thư cần đăng ký để Cục Thú y tổng hợp, xác nhận và gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định.
Ngày 31/7, Cục Thú y cũng đã có văn bản gửi Chi cục Thú y vùng I, II, III, IV, V, VI và VII; Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh về việc áp dụng mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ sống từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Cục Thú y Việt Nam thực hiện tốt việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đối với các lô khỉ sống xuất khẩu sang Trung Quốc, bảo đảm đáp ứng các điều kiện nêu trong Nghị định thư và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch đã thống nhất.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết vào ngày 6/6/2024.
Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Thú y tiếp tục chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thảo luận và thống nhất nội dung Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ từ Việt Nam sang Trung Quốc. Quá trình trao đổi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam (Thương vụ) tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Theo Nghị định thư, để xuất khẩu được khỉ, khỉ phải không có bệnh Ebola Hemorrhagic và bệnh Marburg, không có ca bệnh lâm sàng Cercopithecine Herpesvirus loại I (vi-rút B), Lao, Salmonella và bệnh lỵ trực khuẩn (Shigellosis) ở các khu vực và nơi xuất xứ của khỉ xuất khẩu trong 12 tháng.
Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc phải được sinh ra hoặc nuôi nhốt ít nhất 2 năm ở Việt Nam. Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, khỉ đã qua kiểm dịch tại trang trại gốc xứ sẽ được cách ly 30 ngày tại địa điểm kiểm dịch được phía Việt Nam phê duyệt.
Trong thời gian cách ly, khỉ sẽ được kiểm tra lâm sàng từng con một, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm. Tất cả khỉ sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được phía Việt Nam phê duyệt và chỉ những con khỉ có kết quả âm tính mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tất cả các thùng, xe cộ, tàu, máy bay và các phương tiện, thiết bị khác dùng để vận chuyển khỉ phải được làm sạch, khử trùng bằng chất khử trùng hiệu quả được phía Việt Nam phê duyệt. Thức ăn và chất độn chuồng được sử dụng trong thời gian cách ly và vận chuyển khỉ không được có nguồn gốc từ những vùng có dịch bệnh truyền nhiễm ở động vật và phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y.
Trong thời gian cách ly và vận chuyển, khỉ không được tiếp xúc với bất kỳ động vật khác không thuộc cùng một công ty xuất khẩu hoặc nhập khẩu và không được sử dụng cùng một phương tiện vận chuyển. Khỉ không được vận chuyển qua vùng có dịch bệnh động vật nghiêm trọng…
Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể cử cán bộ kiểm dịch động vật đến các cơ sở xuất khẩu khỉ, cơ sở kiểm dịch liên quan và phòng xét nghiệm để phối hợp với các bác sĩ thú y có thẩm quyền của Việt Nam trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra và kiểm dịch.
Như vậy, trong nhóm động vật và các sản phẩm từ động vật, bên cạnh các sản phẩm như sữa, tổ yến của Việt Nam, đến nay Việt Nam đã thêm một mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc mua khỉ nuôi, không phải khỉ hoang dã
Theo đại diện một doanh nghiệp nuôi khỉ xuất khẩu ở phía Nam, khỉ đuôi dài được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải là khỉ nuôi chứ không phải là khỉ hoang dã và sẽ được Trung Quốc “dùng trong nghiên cứu khoa học”.
Công ước quốc tế về mua bán các giống loài khẩn nguy, tức CITES, cấm mua bán các loài động vật hoang dã cho mục đích thương mại, nhưng không cấm mua bán các động vật được nuôi.
Khỉ đuôi dài, loài khỉ có chiếc đuôi bằng hoặc dài hơn cơ thể, nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong Sách Đỏ Việt Nam và có tên trong Phụ lục của CITES.
Cũng theo vị này, khỉ đuôi dài ở Việt Nam được phân bổ từ Thừa Thiên – Huế trở vào tới Kiên Giang, chúng sống thành đàn trong trong rừng rậm nguyên sinh, thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 2000 mét.
Loài khỉ đuôi dài rất phổ biến ở các khu rừng ở miền Nam trước năm 1975 nhưng đến sau năm 1975, loài này bị suy giảm mạnh về số lượng do tình trạng phá rừng khiến chúng bị mất nơi cư trú và tình trạng chúng bị săn bắt ‘để lấy thịt và nấu cao’.
“Khỉ đuôi dài được cho là có giá trị trong nghiên cứu khoa học để làm vật mẫu, đối tượng nghiên cứu và là nguồn động vật thử nghiệm các loại vaccine cho con người. Khỉ đuôi dài là loài rất có giá trị trong ngành chế biến vaccine và thuốc men. Mỗi con có thể có giá từ 50.000 USD trở lên trên thị trường Mỹ”, vị này cho biết thêm.