Vui với người trồng tiêu
Theo thông tin thị trường, giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đạt mức 95.000 đồng/kg. Tiêu khô đạt chất lượng, hạt chắc được cộng thêm điểm, giá bán có thể cao hơn. Sau nhiều năm mức giá giảm sâu, khiến nông dân khóc cười theo cây hồ tiêu, năm nay giá hồ tiêu đã phục hồi và tăng mạnh là phần thưởng lớn cho những người kiên trì bám trụ với loại cây này.
Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh, với diện tích gần 4.667 ha, trong đó diện tích hồ tiêu kinh doanh là 4.125 ha. Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Vụ tiêu năm 2024, năng suất bình quân toàn huyện dự kiến đạt khoảng 3,2 tấn/ha, ước sản lượng khoảng 13.000 tấn.
Những ngày này, gia đình ông Vũ Đình Tú (thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) một trong những hộ có nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, không khí thu hoạch diễn ra khẩn trương, từ chủ vườn đến nhân công đều lộ rõ niềm vui. Ông Tú không giấu được sự vui mừng khi năm nay giá hồ tiêu tăng ngay từ đầu vụ, khiến gia đình ông yên tâm hơn hẳn khi đầu tư và phát triển bền vững loại cây trồng này.
“Với diện tích gần 1 ha, gia đình tôi thu về khoảng 3 tấn tiêu, dự kiến sau khi trừ chi phí sẽ lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay, ngoài việc giá tiêu liên tục tăng thì việc tìm kiếm nhân công thu hái cũng dễ dàng hơn năm ngoái, giá thuê ổn định nên bà con nông dân càng vui hơn”, ông Tú vui vẻ nói.
Tranh thủ ngày nghỉ, bà Nguyễn Thị Chiều (thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm nhân công để kịp thu hái cho hơn 1 ha hồ tiêu xen canh của gia đình.
Bà Chiều chia sẻ: “Trung bình giá nhân công thuê hái là 250.000 đồng/người/ngày hoặc hái khoán dao động trong khoảng 3.200 – 3.500 đồng/kg tiêu tươi (tùy thuộc vào địa hình, sản lượng mà giá hái khoán sẽ thay đổi). Mặc dù chi phí thuê nhân công cao nhưng thị trường giá hồ tiêu năm nay tăng và từ đầu mùa đến nay vẫn giữ mức ổn định nên tôi hết sức phấn khởi”.
Vườn tiêu của gia đình bà Chiều dự kiến cho thu hoạch hơn 2 tấn, năng suất cao hơn niên vụ 2022-2023 do thời tiết thuận lợi cùng với việc canh tác theo hướng hữu cơ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón, nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu. Sau thu hoạch, bà Chiều cho biết sẽ bán trước một phần sản lượng để tái đầu tư sản xuất, còn lại sẽ tích trữ tiêu khô chờ tăng giá.
Yên tâm tái đầu tư sản xuất
Không chỉ cây tiêu mà tất cả cây trồng khác, yếu tố giá cả thị trường tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Sau nhiều năm liền tiêu mất mùa, rớt giá, vụ mùa năm nay giá đang phục hồi trở lại là tín hiệu vui, tạo tâm lý ổn định cho các nhà vườn yên tâm mạnh dạn tái đầu tư vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Bé (thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có 1,2 ha trồng cà phê xen 700 trụ tiêu đang trong chu kỳ kinh doanh. Năm nay giá hồ tiêu tăng cao nên gia đình ông rất phấn khởi. Dự kiến vụ mùa này ông thu về hơn 2 tấn tiêu khô. Ông Bé tâm sự: “Từ nhiều năm nay, cây tiêu vẫn là một trong những nông sản chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con địa phương. Hy vọng giá hồ tiêu tiếp tục duy trì ổn định như hiện nay để nông dân có thêm thu nhập, dành vốn tái đầu tư vườn và phòng bệnh tốt để đạt năng suất cao”.
Cách vườn nhà ông Bé không xa, ông Trần Văn Coóng cũng chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với cây tiêu đã gần 20 năm, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm nay tiêu được giá nên sau vụ thu hoạch gia đình dự định đầu tư trồng lại diện tích tiêu đã già cỗi, đồng thời chăm bón thêm phần tiêu còn lại với hy vọng gặt hái được kết quả tốt trong mùa vụ tới”.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 28.631 ha hồ tiêu, chiếm 26,57% diện tích hồ tiêu cả nước, sản lượng đạt khoảng 84.247 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk… Thời gian cao điểm thu hoạch hồ tiêu diễn ra vào khoảng tháng hai, tháng ba hằng năm. Hiện người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang tập trung nhân lực, thuê mướn nhân công cho việc thu hái nhằm sớm kết thúc mùa vụ để tái chăm sóc cây, tránh làm ảnh hưởng đến mùa thu hoạch sau.
Những năm trước, nông sản thường xuyên gặp tình trạng mất mùa, mất giá trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều chủ vườn chọn giải pháp đầu tư ít lại dẫn đến năng suất cây trồng càng thấp. Hai năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp có phần “hạ nhiệt”, giá các loại nông sản tăng trở lại nên nông dân có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn nhiều hơn.
Cùng với đó, việc canh tác hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần sang hướng canh tác hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế; tăng cường liên kết sản xuất, tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Với năng suất, sản lượng hồ tiêu năm nay tương đối cao cho thấy hướng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, thuận tự nhiên, an toàn thực phẩm đang từng bước trở nên hiệu quả, bền vững.
Trước việc giá hồ tiêu phục hồi khởi sắc, rất nhiều hộ trồng tiêu đã và đang dự định tái cơ cấu lại vườn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp.