Trong chuỗi sự kiện tại lễ hội Sen năm 2024 được tổ chức mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.
Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng, trồng sen thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, từ đó giúp nông dân cải thiện cuộc sống.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Phong đến từ Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cho biết, trồng sen giúp nông dân thu nhập gấp 5 lần so với độc canh cây lúa.
Ngoài thu nhập, việc trồng sen còn giúp phục hồi môi trường sống của cá và các loài thủy sinh thông qua việc cho lũ vào đê bao trong mùa nước nổi.
Hơn nữa, việc trồng sen còn giúp cải thiện đa dạng sinh học thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, giảm bớt việc xây dựng thêm ô bao bảo vệ lúa thâm canh 3 vụ.
Còn bà Phan Thị Thu Hiền đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho hay, trồng sen thu nhập gấp 3 lần trồng lúa.
Theo bà Hiền, Đồng Tháp là nơi trồng sen nhiều nhất Việt Nam. Sen đòi hỏi ít hơn về đầu tư vào phân bón, thuốc trừ sâu. Hiện nay, nó đã trở thành 1 trong 6 ngành hàng chủ lực được Đồng Tháp chọn phát triển để tái cơ cấu nông nghiệp.
Sen Đồng Tháp sống ở nơi trũng ngập nước. Sen có sức sống mạnh mẽ, đôi khi không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt.
Để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích trồng sen, nhiều năm qua, ở một số địa phương ở Đồng Tháp, người dân còn nuôi thêm cá, theo dạng mô hình sen – cá. Cũng có nơi, người dân còn làm du lịch nông nghiệp trải nghiệm trên cánh đồng sen.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, trước đây, vùng trồng sen nhiều nhất ở tỉnh Đồng Tháp là ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành. Sau này, hình thành thêm những vùng trồng mới tại các huyện như Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông.
Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh Đồng Tháp đạt 1.838 ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025, 1.400 ha). Hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen.
Đồng Tháp phát triển được 59 sản phẩm OCOP từ sen. Trong đó, có 30 sản phẩm OCOP 3 sao, 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.
Ngoài ra, còn các sản phẩm tiềm năng từ sen dùng trong mỹ phẩm như nước hoa sen, son sen; dùng trong gia dụng hàng ngày như xà bông sen, nhang sen; dùng trong may dệt may, thời trang như tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi….
Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, thời gian qua, ngành hàng sen của Đồng Tháp có nhiều bước phát triển vượt bật. Trong đó, các doanh nghiệp tỉnh nhà áp dụng hiệu quả nhiều công nghệ mới trong khai thác tài nguyên bản địa. Bằng chứng là các sản phẩm chế biến từ sen của Đồng Tháp ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại
Cũng tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện vui mừng nói: “Ngành hàng sen của Đồng Tháp có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thông qua chế biến, các sản phẩm giá trị gia tăng từ sen của Đồng Tháp được đông đảo bạn bè trong và ngoài nước biết đến”.
Tuy Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sen theo hướng độc đáo, giàu sức cạnh tranh so với các địa phương cả nước. Tuy nhiên, qua các số liệu và đi kiểm tra thực tế, nhiều đại biểu cho rằng, du lịch sen Đồng Tháp hiện nay mới chỉ giới hạn ở du lịch sinh thái với những điểm ngắm hoa. Các sản phẩm, dịch vụ còn tương đối đơn giản và có phần đồng nhất hóa.
Trước các ý kiến góp ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu. Sau đó, cần thực hiện rà soát, xây dựng giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn mà ngành hàng sen đang đối mặt.