Trồng sầu riêng, bán giá cao chót vót, trúng đậm, vậy sao nhà vườn miền Tây còn lo điều gì?

Giá sầu riêng đầu tháng 4 cao chót vót từ 120.000-210.000 đồng/kg (tùy loại), giúp nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở miền Tây trúng đậm. Tuy nhiên, việc phát triển ào ạt kéo theo nhiều nỗi lo, nhất là chất lượng khi mới đây phía Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị nhiễm kim loại nặng (cadimi) vượt quy định…

Thu lãi lớn nhờ giá cao

Những ngày này, vườn sầu riêng sớm của chị Lý Thị Thu Thủy, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, bắt đầu chín.

Chị Thủy cho biết thương lái đã đến đặt tiền cọc mua với giá 130.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại 1, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 50.000 đồng/kg. “Khu vườn của tôi có 1,5ha với sản lượng hơn 35 tấn trái; xem như năm nay trúng đậm bạc tỉ…”, chị Thủy chia vui.

Cũng ở xã Trường Long, 6 công sầu riêng Ri 6 của ông Nguyễn Văn Nhường cho thu hoạch sớm vụ này được 10 tấn trái. Bán cho thương lái với giá bình quân 120.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Đưa chúng tôi đi xem khu vườn sầu riêng rộng hàng chục héc-ta của các xã viên đang cho trái sai oằn, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, từ trước Tết Nguyên đán 2024 giá sầu riêng tăng rất cao và duy trì đến nay.

Hiện, thương lái thu mua phục vụ xuất khẩu với giá 120.000-130.000 đồng/kg (sầu riêng Ri 6), còn sầu riêng Thái từ 180.000-210.000 đồng/kg, kỷ lục so với các năm qua.

“Nếu canh tác hợp lý, sử dụng phân bón cân đối, nhất là dùng nhiều phân hữu cơ giúp chất lượng sầu riêng đảm bảo và chi phí đầu tư chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. So với giá bán hiện nay thì người trồng sầu riêng trúng đậm, khó cây nào theo kịp ”, ông Chiến phân tích.

Trồng sầu riêng, bán giá cao chót vót, trúng đậm, vậy sao nhà vườn miền Tây còn lo điều gì?- Ảnh 1.

Giá sầu riêng ở ĐBSCL đang cao ngất ngưỡng. Ảnh: H.THU

Mặt được là vậy, tuy nhiên vài năm nay phong trào trồng sầu riêng “bùng nổ” nhiều nơi, vượt ngoài quy hoạch đã kéo theo những lo ngại về chất lượng và tính bền vững.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động – thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định.

Ngay lập tức, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, thành phố Hà Nội; cùng các doanh nghiệp liên quan… về tình trạng trên.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám sát các doanh nghiệp vi phạm khẩn trương thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo; thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lô hàng bị cảnh báo… gửi kết quả kèm theo hồ sơ liên quan về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi cho phía Trung Quốc, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác và nâng chất lượng

Theo Cục Bảo vệ thực vật, các lô sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng có thể xảy ra trong quá trình canh tác do sử dụng phân bón hoặc đất, nguồn nước tưới bị nhiễm cadimi.

Ngoài ra, khi sơ chế, làm sạch sầu riêng sau thu hoạch, có thể các thương lái và doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi… Trước đó, tháng 7-2022, Bộ NN&PTNT đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cụ thể, trái sầu riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục trái và các loài rệp sáp; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép…

Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về vấn đề trên để các địa phương, nông dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Dù vậy, các vi phạm vẫn xảy ra.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, phía Trung Quốc đã từng cảnh báo việc này mấy lần nhưng mức độ nhẹ, riêng lần này nặng hơn. Do đó, chúng ta cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục ngay nhằm tránh những ảnh hưởng có thể tiếp tục xảy ra.

Bởi nếu các vi phạm còn tiếp diễn, phía Trung Quốc không chỉ cảnh báo nữa mà sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Phương Ngọc (Tiền Giang), lo ngại: “Mỗi khi xảy ra những lô hàng sầu riêng vi phạm quy định thì các ngành chức năng phía Trung Quốc sẽ kiểm tra việc nhập khẩu vào thị trường họ nghiêm ngặt hơn; trong khi mặt hàng sầu riêng chỉ cần ùn ứ ở các cửa khẩu vài ngày là sẽ chín, nứt trái… gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”.

Khắc phục việc này, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các doanh nghiệp rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sử dụng tại vườn trồng); tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Đối với ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường quản lý chặt quy trình canh tác, nhất là các nơi được cấp mã số vùng trồng; các lô hàng xuất khẩu được kiểm tra chặt nghiêm ngặt; phía hợp tác xã và nông dân cần tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo trái sầu riêng đạt chất lượng để xuất khẩu vào Trung Quốc và các thị trường khó tính khác…

Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 22.000ha, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến xuất khẩu.

Cụ thể, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các hợp tác xã làm tốt mã số vùng trồng bởi đây là khâu quan trọng.

Hiện, Tiền Giang được cấp 72 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 2.600ha và còn 213 hồ sơ xin cấp mới đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra. Ngoài ra, có 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số và còn 39 hồ sơ mới chờ kiểm tra…

Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh Hậu Giang có 2.468ha sầu riêng. Hiện tại, các nhà vườn trong tỉnh Hậu Giang đang xử lý bông để cho trái và thời điểm thu hoạch cũng còn vài tháng nữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây, người dân đang có xu hướng chuyển sang loại cây trồng này vì giá cao, lợi nhuận hấp dẫn.

Ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng.

Về lâu dài, để phát triển căn cơ loại trái cây “tỉ đô” này, tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm soát chặt hơn việc quy hoạch, hạn chế trồng sầu riêng tự phát, nhỏ lẻ, nơi chưa được đầu tư hạ tầng; khuyến khích nông dân tham gia các hợp tác xã để sản xuất tập trung, bài bản, đầu tư khoa học kỹ thuật, có liên kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu; toàn bộ quy trình canh tác có ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Đồng tình với định hướng trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang phản ánh, đã từng thu mua trực tiếp tại vườn với điều kiện là sầu riêng đủ độ chín; tuy nhiên vẫn có trường hợp nông dân yêu cầu thu hoạch toàn bộ, trong đó có cả trái non chưa đạt tiêu chuẩn.

Thế là doanh nghiệp phải bỏ tiền đặt cọc, bởi nếu cắt trái non đưa đi xuất khẩu sẽ không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng về sau. Giải quyết việc này, các hợp tác xã cần phát huy vai trò vận động nông dân tham gia làm ăn chung sẽ dễ dàng thực hiện việc sản xuất đồng loạt và thu hoạch đồng loạt số lượng lớn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn, chất lượng.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, vừa tuyên truyền cho các xã viên tuân thủ quy định trong canh tác, thu hoạch; đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng về thời điểm thu hoạch, sản lượng, tiêu chuẩn, giá cả… để cung ứng phù hợp cho thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Một khi sản xuất có sự liên kết chặt chẽ đầu vào và đầu ra thì mới bền vững được…

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích trồng sầu riêng cả nước đến năm 2023 đạt khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng 1 triệu tấn. Xuất khẩu sầu riêng năm qua thu về khoảng 2,3 tỉ USD; riêng thị trường Trung Quốc hơn 2,03 tỉ USD. Dự báo những năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.

Ngoài việc cạnh tranh với Thái Lan, dự kiến tháng 5-2024, Việt Nam sẽ cạnh tranh thêm với Malaysia về xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường tỉ dân này. Lợi thế của Việt Nam là quãng đường vận chuyển sang Trung Quốc gần và sầu riêng nước ta được rải vụ thu hoạch quanh năm; trong khi các quốc gia đối thủ thì thu hoạch theo mùa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc; giá trị sầu riêng cấp đông cao hơn nhiều lần so trái tươi.

Vấn đề là chúng ta cần siết chặt quản lý các quy trình canh tác, thu hoạch, xuất khẩu… đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của nước bạn. Phải nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để loại trái cây “tỉ đô” phát triển bền vững.