Trồng lúa kiểu gì, kinh doanh dịch vụ thế nào mà một nông dân tỉnh Long An có lời 3,5 tỷ/năm?

Ông Buôn, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái đưa vào phục vụ trong sản xuất lúa của gia đình cũng như cho các hộ dân trên địa bàn và các xã lân cận. Ông thu lợi nhuận từ trồng lúa, làm dịch vụ hơn 3,5 tỷ đồng/năm.

Những năm qua, phong trào “Nông dân (ND) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững’’ trên địa bàn tỉnh Long An đã khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo của ND trong lao động, sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương ND tiêu biểu, quyết chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Có hơn 12ha đất sản xuất lúa nhưng gia đình ông Trần Văn Chính (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chẳng mấy khá giả. Trồng lúa có những vụ mùa sâu, bệnh gây hại nên không có lợi nhuận cao.

Năm 2012, ông Chính ra tỉnh Bình Thuận chơi, thấy người dân trồng những vườn thanh long bạt ngàn, đời sống ấm no. Nhưng mãi đến năm 2016, ông mới quyết định mua trụ, dẫn đường ống trồng hơn 1ha thanh long. Cùng thời điểm đó, ông lên liếp trồng 0,3ha sầu riêng giống Monthong.

Khi vườn thanh long bước vào thời kỳ thu hoạch cũng là lúc trái thanh long được giá, lợi nhuận khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thấy diện tích sầu riêng phát triển tốt, năm 2018, ông quyết định đầu tư trồng thêm hơn 1ha sầu riêng (hơn 210 cây giống Monthong và Ri6).

Thu hoạch được vài vụ, dịch Covid-19 bùng phát, thanh long rớt giá. Chỉ tính riêng năm 2020, ông lỗ hơn 500 triệu đồng vì bán không ai mua. Ông quyết định phá bỏ diện tích thanh long này, tiếp tục đầu tư thêm hơn 2ha sầu riêng.

Sau 5 năm chăm sóc, năm 2022, số diện tích sầu riêng ban đầu (0,3ha) cho thu hoạch với sản lượng gần 4 tấn, giá 70.000 đồng/kg, ông thu về gần 300 triệu đồng. Năm 2023, 1ha sầu riêng trồng sau cho trái cộng với 0,3ha trồng ban đầu, ông thu hoạch với sản lượng gần 10 tấn, thu về khoảng 1,4 tỉ đồng.

Trồng lúa kiểu gì mà một nông dân tỉnh Long An có lời 3,5 tỷ/năm?- Ảnh 1.

Sau gần 25 năm lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Buôn (bên trái, ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) có 40ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng lúa. Bình quân mỗi năm gia đình ông Buôn có lợi nhuận hơn 3,5 tỷ đồng từ trồng lúa và làm dịch vụ nông nghiệp.

Theo ông Chính, ngoài việc lựa chọn giống cây phù hợp thì việc bảo đảm trồng sầu riêng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố hàng đầu giúp cây mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Khi trồng sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, khoảng cách lý tưởng là 8m, bình quân 1ha đất trồng khoảng 220 gốc.

Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật, ông Chính còn lắp hệ thống phun nước tự động, cách làm này vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa bảo đảm cây được ướt đều với lượng nước vừa đủ. Trung bình mỗi cây sầu riêng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch ít nhất 5 năm và chi phí đầu tư khoảng 7 triệu đồng/cây.

Thấy cây sầu riêng thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây, năm 2023, ông Chính quyết định đầu tư tiếp tục lên liếp 3,5ha đất để trồng thêm sầu riêng. Hiện gia đình ông có tổng cộng 7ha trồng sầu riêng, chủ yếu là 2 giống sầu riêng: Ri6 và Monthong.

Nhiều năm liền, ông Trần Văn Chính đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh; được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào thi đua NDSXKDG năm 2021; Giấy khen NDSXKDG của Hội ND tỉnh giai đoạn 2017-2022. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Dám nghĩ, dám làm

Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những hộ dân trồng bưởi ở các địa phương lân cận, năm 2016, anh Trương Văn Mây (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) mạnh dạn đầu tư gần 40 triệu đồng để lên liếp và mua 300 cây bưởi da xanh về trồng trên 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình.

Sau 3 năm, diện tích bưởi của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm, bưởi cho thu hoạch từ 4-5 đợt (30-40 tấn trái), với giá trung bình từ 15.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Theo anh Mây, ngoài lựa chọn giống cây phù hợp thì việc chăm sóc đúng kỹ thuật là yếu tố quan trọng giúp cây mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Bình quân 1ha đất trồng khoảng 300 cây bưởi.

Anh Mây còn lắp hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa bảo đảm cây được tưới đều với lượng nước vừa đủ.

Cây bưởi từ lúc trồng đến khi thu hoạch ít nhất 3 năm và chi phí đầu tư khoảng 1-1,2 triệu đồng/cây. Thấy cây bưởi thích nghi với thổ nhưỡng, năm 2019, anh Mây quyết định đầu tư thêm, tiếp tục lên liếp 1ha đất để trồng bưởi, số diện tích này cũng đang cho thu hoạch.

Anh Mây chia sẻ: “Tôi thường xuyên tìm hiểu, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, các chuyên gia, các mô hình làm ăn hiệu quả, các buổi tập huấn,… Tôi luôn nghĩ rằng mình còn phải cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới”.

Không những thế, anh còn mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy cày, máy bay điều khiển từ xa), tham gia vào hợp tác xã. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh hơn 600 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền, anh Trương Văn Mây được công nhận danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào thi đua NDSXKDG năm 2021.

Vượt khó vươn lên làm giàu

Từ đôi bàn tay trắng, bằng sự nỗ lực, siêng năng, sau gần 25 năm cần cù lao động, gia đình ông Nguyễn Văn Buôn (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả. Ông còn là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua NDSXKDG của địa phương.

Vừa rót ly nước trà mời khách, ông Nguyễn Văn Buôn tâm sự, năm 1990, cuộc sống gia đình khó khăn, từ xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, ông đến vùng đất Tân Hưng lập nghiệp. Lúc ấy, trong tay chỉ có một chiếc máy cày cũ để cày đất thuê rồi làm dịch vụ bơm nước.

Ban đầu, ông thuê đất sản xuất. Sau vài vụ lúa trúng mùa, được giá, ông bắt đầu có tích lũy. Đến năm 1996, ông lập gia đình. Với sự nỗ lực, không ngại gian khổ, vợ chồng ông lại dành dụm tiết kiệm để mua đất, có khi vài công, cũng có khi vài mẫu. Đến nay, gia đình ông có 40ha đất trồng lúa.

Không dừng lại ở đó, ông còn mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bay điều khiển từ xa đưa vào phục vụ trong sản xuất của gia đình cũng như cho các hộ dân trên địa bàn và các xã lân cận, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tạo việc làm cho gần 30 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.

Bình quân mỗi năm, ông thu lợi nhuận từ trồng lúa và các dịch vụ hơn 3,5 tỉ đồng. Ông Buôn bày tỏ: “Để có được thành công, trước hết phải quyết tâm, cần cù lao động, nắm bắt kịp thời các kỹ thuật tiên tiến, sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo qua việc tạo điều kiện cho người dân được học tập, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Từ những cách làm hay, tiên tiến trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Buôn là một trong những ND tiêu biểu vượt khó, làm giàu, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu NDSXKDG cấp huyện, tỉnh.

Ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua NDSXKDG nhiều năm liền; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào NDSXKDG, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.