Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Dương Văn Chín Chín cho biết, để có được cơ ngơi trang trại rộng lớn như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua muôn nỗi nhọc nhằn và nhiều lần thất bại đến trắng tay.
Ban đầu, ông đầu tư mô hình nuôi ốc nhồi nhưng do không có kinh nghiệm nên không thành công. Sau đó, từ năm 2003 đến 2005 ông tiếp tục bỏ ra hơn chục cây vàng (là cả gia tài khi đó) kết hợp vay thêm ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà đẻ nhưng thất bại triền miên do dịch bệnh H5N1.
Năm 2009 ông Chín đến với mô hình trồng thanh long do một lần có dịp thăm quan mô hình tại Thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội. Thời điểm đó, thấy thanh long cho nguồn thu nhập tương đối lớn nên ông đã mua giống về trồng. Nào ngờ bị chủ vườn bán cho giống không đảm bảo chất lượng nên sau 2 năm trồng, lứa quả đầu tiên thu hoạch về chỉ bằng cái chén nên lại một lần nữa ông thất bại.
Đến năm 2011, sau nhiều lần suy tính, ông Chín đã quyết định từ bỏ và đầu tư một số tiền lớn chuyển hướng sang đào ao nuôi ốc nhồi và thả cá thịt nhưng vẫn tiếp tục thất bại do không có kinh nghiệm và không cạnh tranh được giá cả trên thị trường.
Năm 2012 được một người bạn mách bảo, ông quyết định chuyển hướng sang nuôi cá giống. Lứa đầu ông mua 15kg cá giống về nuôi, chỉ sau 1 tháng ông đã có trên 100kg cá giống bán ra. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng mô hình và chăn nuôi với số lượng lớn. Ngoài ra, ông tiếp tục với mô hình nuôi ba ba thịt và cũng đã thành công.
Năm 2014 ông đích thân lên tận Tuyên Quang để mua giống thanh long ruột đỏ về trồng tiếp nhưng lại gặp lụt nên ông phải cắt bỏ và trồng lại. Lần này chỉ sau 1 năm ông đã được thu hoạch lứa thanh long đầu tiên. Phấn khởi, do bước đầu đã thành công, ông tiếp tục nhân giống và phát triển mạnh mô hình cho đến ngày nay. Năm 2023, ông thu hoạch được khoảng 10 tấn thanh long. Ngoài ra, ông còn trồng thêm táo ngọt và hồng xiêm với mỗi loại khoảng 100 gốc.
Năm 2024, ông lại nghiên cứu và bắt tay trở lại với mô hình nuôi ốc nhồi. Đến nay, mô hình ốc nhồi vừa được ông thả giống và đang phát triển tương đối tốt.
Hiện nay, toàn bộ diện tích trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả của ông Chín phân bố rải rác ở nhiều nơi với diện tích tương đối lớn, với khoảng 1.000 gốc thanh long, 200 gốc táo đại ngọt, 100 gốc hồng xiêm trồng theo hướng hữu cơ và hơn một mẫu diện tích ao nuôi để nuôi cá giống, ba ba và ốc nhồi.
Để giảm chi phí thức ăn cho vật nuôi, ông đã đầu tư hơn một mẫu ao nuôi ốc bươu vàng và bèo tấm để phục vụ nguồn thức ăn cho ba ba, cá giống và ốc nhồi. Nhờ đó, chi phí thức ăn giảm và lợi nhuận được tăng lên. Còn cá giống và ốc nhồi được ông tận dụng diện tích để chăn thả cùng nhau và cho ăn bèo tấm.
Nhân công để chăm sóc vườn tược và ao cá chủ yếu do hai vợ chồng ông phụ trách, chỉ những thời điểm thu hoạch thì ông thuê thêm một số lao động theo ngày.
Hiện ba ba được ông bán cho các nhà hàng với giá trung bình khoảng 450.000 đồng/kg. Còn cá giống thì tuỳ thuộc vào kích thước từng loại mà có giá bán phù hợp. Với mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả tổng hợp như hiện nay, mỗi năm gia đình ông Chín có thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng.
Với những thành tích trong lao động, sản xuất, ông Chín đã nhiều lần được khen thưởng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Gần đây nhất, năm 2023 ông Chín đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.