“Làm lúa mà cứ thế này ai chả muốn làm”
Gương mặt rạng rỡ, không giấu nổi niềm vui, chị Hồ Thị Thu Hương, ở xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có 2ha trồng giống lúa ST25 cho biết, trước khi thu hoạch 10 ngày, thương lái đã đến chốt giá 10.500 đồng/kg. Với 2ha gia đình chị thu hoạch được 23 tấn, tổng thu được hơn 250 triệu đồng. Vụ lúa năm nay gia đình chị Hương thắng lớn.
“Ở khu này, lúa vừa chín là thương lái đưa máy gặt đập liên hợp đến thu hoạch, vận chuyển luôn. Chúng tôi chỉ có việc ghi sản lượng lúa, không còn cảnh cả gia đình phải vất vả cắt, tuốt và vận chuyển về nhà phơi khô như trước nữa. Làm lúa bây giờ đỡ vất vả nhiều rồi”, chị Hương cho biết.
Lúa vừa được mùa, vừa được giá khiến chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) rất phấn khởi. Những ngày này thời tiết nắng ráo, việc thu hoạch cũng rất thuận lợi, gần 5ha lúa trồng giống ST24 và ST25 của gia đình chị thuê máy gặt đập liên hợp chỉ mất một buổi sáng đã xong xuôi. Giữ lại một ít để gia đình ăn, còn lại hơn 50 tấn chị bán tươi ngay cho thương lái, nhận hơn 500 triệu đồng ngay tại bờ ruộng.
“Năng suất lúa năm nay cao hơn hẳn mọi năm, giá bán cũng tốt nên bà con chúng tôi ai cũng vui vẻ. Làm lúa mà cứ thế này thì ai chẳng muốn làm!”, chị Hạnh vui vẻ chia sẻ.
Đã ngon nhất thế giới, trồng ở Đắk Lắk càng ngon hơn
Đắk Lắk là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên về diện tích trồng lúa với khoảng 110.000ha. Năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo của Đắk Lắk thường cao hơn so với mặt bằng chung cả nước.
Riêng vụ đông xuân năm nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 46.000ha lúa, thu hoạch ước đạt gần 250.000 tấn. Nhiều giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài thơm 8… được bà con nông dân canh tác trong vụ này cho hiệu quả cao vượt trội.
Ông Trần Đăng Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ đông xuân này toàn xã có gần 2.000ha lúa. Bà con chủ yếu trồng lúa các giống ST24, ST25 và Đài Thơm 8 và cho năng suất rất cao, trung bình từ 10-12 tấn/ha, tăng khoảng 15% so với các vụ trước.
“Bà con trồng lúa chất lượng cao năm nay đều thắng lớn. Năng suất tăng, giá tăng, ai cũng vui vẻ cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng để bà con canh tác lúa cho hiệu quả”, ông Thiện cho biết.
Đầu tư đúng và trúng đã giúp Đắk Lắk dần xây dựng, khẳng định được thương hiệu lúa gạo chất lượng cao của mình. Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tỉnh đã đầu tư đồng bộ cho các vùng xác định là trọng điểm cây lúa như các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Kar, Ea Súp… Tại các huyện này đều có những công trình thuỷ lợi lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước cho phát triển cây lúa.
Đồng thời, tỉnh xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến để bà con nông dân học tập, áp dụng. Ngành nông nghiệp cũng thường xuyên cập nhật, phổ biến các giống mới, đặc biệt là các giống mà có năng suất, chất lượng cao, vừa là xây dựng thương hiệu, vừa là đảm bảo đảm thị trường. Từ đó, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng đã công nhận lúa trồng tại Đắk Lắk đạt chất lượng rất tốt, cho gạo rất ngon. Đắk Lắk đã hình thành được chỉ dẫn địa lý cho cây lúa, bởi ít có nơi nào hạt lúa giữ được mùi thơm lâu như ở Đắk Lắk.
Đặc biệt, các giống lúa ST24, ST25 trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt giải Gạo ngon nhất thế giới nhưng khi đem lên trồng ở Đắk Lắk thì chất lượng gạo còn được đánh giá ngon hơn.