Mô hình trồng dưa leo ở ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, góp phần giảm độc canh cây lúa, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thấy 5.500m2 đất trồng lúa kém hiệu quả trong khi chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận thấp, năm 2000, ông Lâm Hoàng Đức, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch mạnh dạn chuyển đổi sang trồng màu, giúp gia đình ông vươn lên làm giàu.
Được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn, ông Đức chuyển nửa công đất ruộng sang trồng màu và mở rộng diện tích lên 4.500m2 lên liếp trồng dưa leo, còn 1.000m2 ông trồng lúa để lấy gạo ăn.
Ông Đức kể, ban đầu, ông thử trồng nhiều loại như rau cải, cà phổi, cà chua… nhưng lợi nhuận không cao. Thấy cha ruột trồng dưa leo hiệu quả và thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc lại dễ tiêu thụ nên ông Đức trồng thử.
Ông Đức cho biết: “Ban đầu, tôi tận dụng liếp trồng rau cải, cải tạo lại, mua lưới, cây tre làm giàn và giống dưa leo từ cha ruột, gieo trồng trên diện tích 4.500m2 thấy cây phù hợp đất, phát triển tốt.
Sau 27 ngày chăm sóc, dưa leo đến kỳ thu hoạch, thời gian thu hoạch khoảng 20 ngày, với giá bán từ 10-15.000 đồng/kg, tôi lãi khoảng 150 triệu đồng/năm, tôi phấn khởi lắm”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) Lê Phú Quý (bìa phải) ngồi xuồng tham quan ruộng trồng dưa leo của ông Lâm Hoàng Đức.
Nhìn vườn dưa leo xanh mướt, đang cho trái mỗi ngày, trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa những liếp dưa, ông Đức đã chia sẻ khó khăn ban đầu khi trồng dưa leo là do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật nên năng suất không cao.
Chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, sau 1 năm trồng dưa leo, ông Đức tự sản xuất hạt giống, tiết kiệm chi phí mua giống.
“Để làm ra hạt giống, tôi phải cắt, rửa hột phơi khô, 100 trái dưa leo mới thu được 1 lít giống. Sau 3 tháng đem hạt gieo trồng, cứ xoay vòng như thế sẽ tiết kiệm được chi phí mua hạt giống 800.000 đồng/lít/công”, ông Đức nói.
Ông Đức chia sẻ: “Trồng dưa leo cũng không quá khó, chủ yếu vị trí đất trồng phải được lên liếp, mỗi líp cách 1m để lấy nước ra, vào. Tháng mùa mưa ít tưới nước nhưng phải chú ý, nếu bị ngập sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng, thậm chí dưa leo bị úng, chết dây trên diện rộng.
Mùa nắng, người trồng phải thường xuyên bơm tưới nước để mặt đất có độ ẩm phù hợp điều kiện phát triển của dưa leo. Nếu có điều kiện thì phủ bạt trên dàn trồng dưa để giữ ẩm đất và ngăn không cho cỏ dại mọc, không tốn công làm cỏ, giảm lượng phân bón”.
Ông Lâm Hoàng Đức, nông dân trồng dưa leo ở ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi vì dưa leo trúng mùa, được giá.
Ông Đức hiện là Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dưa leo ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch. Nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, ông Đức sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất.
Nông sản của ông được các thương lái ưa chuộng, thu mua tại vườn với giá cao. “Tôi trồng dưa leo đã 20 năm nay, hiện nhà cửa khang trang hơn, các con được học hành tới nơi tới chốn, cuộc sống ngày càng ổn định nhờ trồng dưa leo”, ông Đức nói.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàn Thạch Lê Phú Quý cho biết: Xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) có 15 là thành viên Chi hội nghề nghiệp trồng dưa leo chuột với tổng diện tích đất sản xuất 4,3ha.
Mô hình trồng dưa leo này mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, góp phần giảm độc canh cây lúa, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích nông dân duy trì sản xuất và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện để nông dân an tâm sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài ra, gia đình còn tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà nuôi thêm gà, vịt, lấy ngắn nuôi dài giúp tăng thêm thu nhập. Từ năm 2020-2023 gia đình ông Đức được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã.