Năng suất giảm mạnh nhưng vẫn thắng lớn
Là một trong những người tiên phong trồng cây vải trên vùng đất cằn, anh Hồ Sỹ Trung (ở thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đang rất phấn khởi trong mùa thu hoạch.
Giống vải thiều giống U Hồng anh mang từ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vào trồng từ hơn 10 năm trước cho nguồn thu rất khá.
Hiện anh có gần 10 ha vải đang giai đoạn kinh doanh. Anh Trung cho biết, do nắng nóng và thời tiết thất thường, vụ vải năm nay năng suất giảm khoảng 30% so với mọi năm.
Mặc dù năng suất giảm khá mạnh, có vườn giảm năng suất đến 50% nhưng theo đánh giá của người trồng vải ở Đắk Lắk, năm nay các nhà vườn vẫn có lãi lớn.
“Hiện nay đang vào thu hoạch rộ, giá vải thiều bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với năm ngoái nên mặc dù năng suất giảm nhưng nông dân vẫn có lãi to”, anh Hồ Sỹ Trung cho biết.
Nông dân Đắk Lắk phấn khởi vì năm nay giá bán vải thiều cao, bình quân khoảng 50.000 đồng/kg.
Cũng là người tiên phong đưa cây vải thiều giống U Hồng và U Trứng từ quê hương Hải Dương vào trồng từ hơn 10 năm trước.
Hiện ông Lê Văn Minh (ở thôn 8, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 4ha đang cho thu hoạch với sản lượng ước tính hơn 40 tấn. Với giá bán hiện nay, tính ra mỗi ha mang về nguồn thu hơn nửa tỷ đồng cho gia đình ông Minh.
Ông Hà Trung Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar, cho biết cây vải rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng đất sỏi đá pha cát ở huyện Ea Kar. Từ khi chuyển đổi sang trồng vải thiều, mỗi ha có thể cho thu tới 400 – 500 triệu đồng/năm.
Toàn xã Ea Sar hiện đã có 400 ha cây vải, trở thành vùng trồng vải lớn nhất của huyện Ea Kar và tỉnh Đắk Lắk. Cũng theo ông Hà Trung Tướng, điểm thuận lợi cho phát triển vải ở Ea Kar là khí hậu khác biệt, niên vụ vải chín ở đây thường sớm hơn, sau khi kết thúc vụ khoảng một tháng thì mới tới vụ vải miền Bắc. Nhờ vậy giá bán thường cao hơn, không bị cây vải thiều vốn rất nổi tiếng ở Bắc Giang, Hải Dương “ép giá”.
Nông dân yên tâm nhờ liên kết
Huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có trên 1.000 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih, Xuân Phú, Cư Huê, Ea Đar, Ea Păl, Cư Prông và thị trấn Ea Knốp. Giống vải được trồng ở đây chủ yếu là U Hồng, U Thâm và U Trứng.
Người dân trồng vải thiều ở Đắk Lắk chủ động liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đầu ra.
Những năm gần đây, lợi nhuận từ cây vải mang lại tương đối lớn, người trồng vải ở huyện Ea Kar cũng đang từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, chất lượng quả vải.
Hiện hơn 80% diện tích vải ở Ea Kar được trồng chăm sóc theo hướng VietGap, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vòi phun đóng mở tự động, tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với khô hạn.
“UBND xã đang phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn bà con trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, hướng cây vải là sản phẩm được công nhận OCOP cho địa phương, và đưa vải Ea Sar ra thị trường trong và ngoài nước”, ông Hà Trung Tướng – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (xã Ea Sar), cho biết với việc thành lập hợp tác xã sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân được cung ứng vật tư đầu vào chất lượng và giá cả hợp lý.
Đồng thời, hợp tác xã cũng sẽ định hướng để bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, GlobalGap, từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường các nước lân cận cũng như các thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc.
Hiện Hợp tác xã Thanh Bình có 16 hộ xã viên, tổng diện tích vải kinh doanh 100 ha. Sản lượng mỗi vụ ước đạt từ 1.400 – 1.600 tấn. Hợp tác xã cũng liên kết bao tiêu sản phẩm cho khoảng 200 ha của 60 hộ dân ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng.
Mùa vải này, các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua vải, đóng continer lạnh xuất khẩu nên bà con xã viên, nông dân liên kết với Hợp tác xã rất yên tâm, tiếp tục phát triển cây vải thiều.