Là Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Na Tranh (xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), anh Trần Văn Tuyên không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội mà còn phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Anh Tuyên cho biết, gia đình anh đã trồng cây ăn quả từ nhiều năm nay. Thời điểm đầu, anh cũng như nhiều bà con trong xóm trồng cây quất vì mọi người chủ yếu từ Hưng Yên lên đây khai hoang sinh sống, cây quất được mang từ quê nhà lên theo để trồng.
Sau đó anh chuyển đổi sang trồng các loại cây như táo, ổi, bưởi, hồng xiêm… Tuy nhiên, theo thời gian nhận thấy giá thành các loại cây ăn quả này ngày càng thấp nên khoảng chục năm trở lại đây anh Tuyên đã chuyển đổi sang trồng ổi lê Đài Loan, một loại cây đang là thế mạnh của địa phương.
Cùng với đó, anh kết hợp nuôi ong dưới tán cây ăn quả vừa để lấy bóng mát vừa để có nguồn hoa phục vụ cho ong.
Theo anh Tuyên, giống ổi lê Đài Loan có ưu điểm quả giòn, ngọt, ít hạt, giá cả ổn định mà lại có thể điều tiết cho ra quả quanh năm.
Đặc biệt, cây ổi có thời gian sinh trưởng phát triển nhanh, chỉ sau 9 – 10 tháng đã có thể cho thu hoạch quả, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Vậy nên, chỉ sau một năm trồng, bà con đã có thể thu hồi vốn bỏ ra.
Thông thường, đối với quả ổi sau khi ra được 3 – 4 tháng, nông dân sẽ tiến hành bọc quả để tránh ruồi vàng châm. Để quả ổi đạt chất lượng, trong quá trình chăm sóc, ở giai đoạn bọc quả, ngoài bón phân hữu cơ sẽ bổ sung thêm kali cho ổi ngọt hơn.
“Cây ổi cho sản lượng quả tương đối lớn. Với những cây trồng từ 2 – 3 năm nếu vào vụ chính có thể cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả/sào/năm” – anh Tuyên chia sẻ.
Bên cạnh việc trồng cây ăn quả, anh Tuyên còn cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm cho nhiều bà con trong vùng. Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 10.000 cây giống ra thị trường chủ yếu là cây ổi vì đây là loại cây được nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, tổng diện tích vườn cây ăn quả của gia đình anh Tuyên khoảng hơn 5.000m2. Trên diện tích đó, ngoài trồng ổi lê Đài Loan (khoảng 500 – 700 cây), anh Tuyên vẫn giữ lại một ít bưởi chua, bưởi Diễn và mít thái. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ chuyển đổi diện tích này sang trồng nhãn và vải.
Đối với mô hình nuôi ong, ban đầu anh Tuyên chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, sau này thấy hiệu quả nên anh đã học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người nuôi trước đó và mở rộng thêm quy mô.
Hiện, gia đình anh đang có khoảng 100 thùng ong, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 1.200 – 1.500 lít mật. Mật ong được anh Tuyên bán với giá 100.000 – 120.000 đồng/lít.
Điểm mới trong cách nuôi ong của anh Tuyên hiện nay là áp dụng nuôi cầu kế hai trong một. Với cách làm này, khi khai thác mật, người nuôi ong chỉ cần nhấc mỗi bầu mật lên để quay, giúp ong không bị xáo trộn, hỗn loạn mà lại không bị ảnh hưởng đến bầu nhộng.
Đồng thời có thể quay mật bất cứ lúc nào mà chất lượng vẫn tốt, không bị lẫn mật non. Cùng với việc nuôi ong lấy mật, anh Tuyên còn bán ong giống cho những bà con có nhu cầu.
Với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp bán giống và nuôi ong như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Tuyên thu về khoảng 500 triệu đồng.
Trong thời gian tới, anh Tuyên mong muốn sẽ tham gia HTX để nâng cao giá trị sản phẩm của gia đình hơn nữa, đồng thời giúp nhiều bà con phát triển mô hình tương tự để nâng cao thu nhập.
Ông Trần Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa đánh giá: Anh Tuyên vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Na Tranh lại vừa là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm của xã Nam Hoà.
Trong những năm gần đây, anh Tuyên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây cho năng suất và chất lượng ca, tạo thu nhập kinh tế cao cho gia đình.
“Hiện nay, xã Nam Hòa đang định hướng sẽ quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi đang hướng anh Tuyên thành lập Tổ hợp tác về trồng cây ăn quả của xóm Na Tranh.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân sẽ hướng dẫn, giúp đỡ Tổ hợp tác này phát triển vùng sản xuất chuyên canh nhằm xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, giúp địa phương phát triển về kinh tế nông nghiệp.
Cùng với đó, Nam Hòa là địa phương có nhiều lợi thế trong việc nuôi ong. Do đó, việc anh Tuyên cũng như nhiều hộ dân trong vùng phát triển mô hình nuôi ong đã mang lại nguồn thu tương đối lớn.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trong việc nuôi ong cho các hộ, tiến tới đây Hội Nông dân xã Nam Hòa đặt mục tiêu sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong của địa phương” – ông Phương cho biết thêm.