Cậu con trai về nước làm lương tháng 50 triệu nhưng căn nhà ban đầu cha anh bán đi bây giờ đã tăng giá gấp mấy lần. Với mức lương hiện tại của anh, phải mất gần 17 năm không ăn không uống mới mua lại được.
Ngày nay, điều kiện sống tốt hơn, nhiều cha mẹ không tiếc công sức đầu tư cho con cái học hành. Thậm chí, để tương lai con xán lạn, không thua bạn kém bè, không ít người đặt mục tiêu cho con đi du học từ những năm cấp 2, cấp 3.
Tuy nhiên, chi phí du học có thể lên tới hàng tỷ đồng, đây không phải là con số mà những phụ huynh trong gia đình bình thường có thể dễ dàng chi trả. Nhiều ông bố bà mẹ không còn cách nào khác là phải bán nhà để có đủ kinh phí cho con đi du học.
Liệu đây có phải là một quyết định đúng đắn? Khi chủ đề này được đưa lên một diễn đàn MXH, có 3 luồng ý kiến trái chiều: Có người quả quyết rằng “không đáng”, có người lại cho rằng “kiến thức thu được sau khi ra nước ngoài không thể đong đếm bằng tiền”, và một số người trung dung thì nhận định việc đáng hay không còn tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của từng gia đình.
“Du học sẽ không bao giờ mất tiền, chỉ là chuyển tiền thành kiến thức”
Những người cho rằng “bán nhà cũng đáng” nhận định: Dùng tiền để nâng cao kiến thức và tầm nhìn còn quý hơn mua nhà. Sự giàu có về tinh thần có được khi đi du học là tài sản có thể trường tồn mãi mãi.
Du học là một loại trải nghiệm, sự trau dồi toàn diện năng lực của bản thân về mọi mặt sẽ giúp bạn có nhiều kỹ năng và khả năng thích ứng hơn những người khác trong quá trình làm việc sau này.
Với kinh nghiệm sống ở một đất nước khác, chỉ cần “ném” bất kỳ du học sinh nào vào một nơi xa lạ, họ có thể thích nghi ngay lập tức. Nói cách khác, du học sẽ mở rộng tầm nhìn của bạn rất nhiều, rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập và tự quyết, có thể đối mặt với thành công và thất bại một cách bình tĩnh. Những khả năng này hữu ích hơn nhiều so với tiền bạc.
Tóm lại, điều bạn có được khi đi du học không chỉ là bằng cấp học thuật hay tiếng Anh, mà là khả năng tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ nơi nào bạn chưa biết.
“Cha mẹ không bắt buộc phải trả tiền cho ước mơ của bạn”
Có một câu chuyện thế này: Nhiều năm trước, cha của Tiểu Mão (Trung Quốc) đã bán một căn nhà ở Thâm Quyến để con đi du học. Hồi đó, ngôi nhà được bán với tổng giá trị 800.000 nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỷ đồng). Sau khi trở về Trung Quốc, Tiểu Mão gia nhập một công ty nước ngoài và làm quản lý với mức lương 15 ngàn nhân dân tệ (khoảng gần 50 triệu đồng/tháng).
Nhưng căn nhà ban đầu cha anh bán đi bây giờ đã tăng giá gấp mấy lần, gần 3 triệu nhân dân tệ (gần 10 tỷ đồng). Với mức lương hiện tại của Tiểu Mão, phải mất gần 17 năm không ăn không uống mới mua lại được. Đó là chưa kể giá nhà sẽ tăng theo sự biến động của thị trường.
Trên thực tế, nhiều người đi du học trở về nước vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm hoặc có mức lương khởi điểm thấp và chế độ lương thưởng không tương xứng. Bán nhà để đi du học, nhất là bán căn nhà duy nhất trong gia đình để đánh cược tương lai theo nhiều người là khá mạo hiểm.
“Đừng vắt kiệt cha mẹ, không đứa trẻ nào có quyền làm điều đó. Họ đã làm việc chăm chỉ cả đời, và cũng cần an dưỡng tuổi già. Hãy suy nghĩ kỹ lý do tại sao bạn ra nước ngoài. Nếu bạn kiếm được nhiều hơn số tiền đã tiêu, đó được gọi là đầu tư. Nếu bạn trở về tay không, đó gọi là lãng phí tiền trợ cấp của cha mẹ”, một người nói.
Hãy nghĩ cho cha mẹ, họ có thể phải hạ thấp chất lượng cuộc sống của mình để bạn có cuộc sống tốt hơn. Đi nước ngoài cho bạn nhiều “trải nghiệm rất đáng giá” chỉ có ý nghĩa với những gia đình không bị áp lực tiền bạc. Còn khi có gánh nặng tài chính, cần cân nhắc thực tế hơn như “liệu số tiền đã tiêu ở nước ngoài có thể kiếm lại được không”?
Vì vậy nếu hỏi “có nên bán nhà đi du học hay không” thì câu trả lời là “Không đáng” bởi cha mẹ không có nghĩa vụ phải “vắt kiệt” bản thân để thực hiện ước mơ thay bạn.
Du học không chỉ là vấn đề về tiền
Theo nhiều chuyên gia, cho con đi du học là một lựa chọn hợp lý giống như đầu tư, đầu tư thì không nên ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Bạn phải biết rằng đầu tư là có rủi ro, ít nhất một nửa số du học sinh không thành công sau khi trở về.
Nhiều phụ huynh cho rằng con học không giỏi, không đỗ vào trường đại học tốt cũng không sao, họ bỏ thêm tiền để cho con đi nước ngoài vài năm, khi về sẽ có tiền. Tuy nhiên, thực tế không như cha mẹ tưởng tượng. Nhiều trường nước ngoài nổi tiếng là “đầu vào dễ dãi, đầu ra nghiêm ngặt”.
Nếu không có thực lực, con bạn có thể không tốt nghiệp sau khi du học hoặc sẽ tốn kém hơn nhiều so với dự kiến. Dù có tấm bằng tốt nghiệp, sau khi về nước cũng khó tìm được công việc phù hợp hoặc nhận mức lương cực thấp.
Du học là một điều tốt, nó giúp các em nâng cao kiến thức, tiếp thu một nền giáo dục tốt và cởi mở hơn, không bị gò bó trong suy nghĩ. Tuy nhiên, tiền đề của điều này là: Con bạn rất tự lập, con có năng lực thực sự và hiểu tầm quan trọng của sự chăm chỉ cũng như biết cách khiến bản thân trở nên tốt hơn. Khi ấy, cha mẹ có thể đầu tư mà không đắn đo quá nhiều.
Nếu con bạn học không giỏi, ham chơi, không có động lực thì lúc này việc bán nhà đầu tư cho con sẽ là rủi ro lớn. Nhiều du học sinh ra nước ngoài xa bố mẹ, ở trọ chơi game, học tiếng Anh cũng không đến nơi đến chốn, gây lãng phí tiền bạc.
Bên cạnh đó, du học không phải là con đường duy nhất để thành công. Chỉ cần chăm chỉ học tập đỗ đạt ở các trường đại học trong nước vẫn có thể ra trường tìm việc làm “ngon lành”.