Nuôi cua gạch thu nhập cao gấp 2 lần
Tại Thừa Thiên – Huế, TTKNQG đang đồng hành triển khai thực hiện 6 dự án khuyến nông T.Ư gồm: Mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ…
Thêm nữa là mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình ứng dụng công nghệ CPF (Composite – polyure-thane foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng nguyên liệu và mô hình trồng thâm canh tràm năm gân (Melaleuca quinqenervia) để chưng cất tinh dầu.
Qua triển khai, các dự án đã giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch.
Trong đó, năm 2023, TTKN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các xã Quảng An (huyện Quảng Điền); Phú Gia, Vinh An (huyện Phú Vang), Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) với quy mô 4 ha/8 hộ.
Cùng với đó, TTKN tỉnh cũng thực hiện mô hình nuôi xen tôm, cua, cá đối sinh thái trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)…
Tham gia mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm, anh Vương Đức Khánh (ở xã Phú Gia, huyện Phú Vang) cho biết, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt hơn 1,5 tấn/ha, giá bán cua gạch cao gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi cua thịt, do đó mô hình đạt lợi nhuận 100-120 triệu đồng/ha.
“Tham gia mô hình, nông dân đã chủ động hơn trong khâu giống do sử dụng nguồn giống cua tự ương từ cua khay; phân loại và lựa chọn cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ương chuyển qua nuôi, tạo ra sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá bán cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao” – anh Khánh chia sẻ.
Thành công từ nông nghiệp tuần hoàn
Tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, gia đình anh Nguyễn Hải Teo là một trong những điển hình áp dụng thành công mô hình chăn nuôi lợn hướng hữu cơ an toàn sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, do TTKNQG triển khai.
Anh Teo cho biết, trước đây, gia đình anh trồng gần 2.000 gốc chuối, bưởi da xanh và sâm Bố Chính. Năm 2023, gia đình anh được chọn làm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, thuộc dự án của TTKNQG. Anh được về trụ sở Tập đoàn Quế Lâm học tập quy trình kỹ thuật và thực hành tay nghề chăn nuôi lợn hữu cơ, chế biến thức ăn ở Tổ hợp Chế biến chăn nuôi lợn hữu cơ 4F (xã Phong Thu, huyện Phong Điền).
Anh Teo tự hào cho biết, trong quá trình học, anh được tự tay chọn 8 con lợn nái hậu bị phối giống, thụ tinh nhân tạo hiệu quả. Người đàn ông dân tộc Pa Kô nói, đây là thành công lớn của mình bởi từ trước đến nay, công việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thú y địa phương.
Sau khi ký hợp đồng với Tập đoàn Quê Lâm, vợ chồng anh Teo vay mượn thêm và đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt, trang thiết bị hệ thống quạt phun sương… và được cấp 8 lợn nái, 60 lợn thịt, giấy chứng nhận hữu cơ.
Có kỹ thuật trong tay, anh tự tin chăn nuôi đàn lợn. Đến thời điểm này, gia đình anh xuất được 4 tấn lợn hơi, sản xuất trên 100 lợn con.
“Chúng tôi được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ giống, thức ăn chế phẩm, thu mua đầu ra giá ổn định cao hơn thị trường” – anh Teo nói.
Anh Teo chia sẻ, lợn con khi xuất đạt 13-15kg/con, lợn thịt phát triển tốt. Qua từng lứa nuôi, anh áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đưa phân hữu cơ trong chuồng bón trực tiếp cho cây chuối, bưởi…
Cây phát triển cho sản phẩm năng suất cao, không tốn chi phí mua phân bón bên ngoài. Người đàn ông mê nông nghiệp này còn nuôi ruồi lính đen làm thức ăn bổ sung dưỡng chất vỗ béo lợn con. Anh còn dự kiến sẽ thử nghiệm làm phân hữu cơ cho cây từ ruồi lính đen.
Chăn nuôi và trồng trọt mang lại nguồn thu 120 triệu đồng/năm, song anh Teo còn ấp ủ nhiều dự định. Anh vẫn rất hăm hở với con đường phía trước, dự định mở rộng sản xuất.
Từ 25 gốc bưởi da xanh cho thu hoạch vụ đầu tiên sẽ nhân lên thêm vài chục gốc nữa. Vườn chuối gần 2.000 gốc qua hết chu kỳ khai thác sẽ được chặt bớt, chuyển sang trồng sâm Bố Chính, lấy ngắn nuôi dài.
Trao đổi với phóng viên, ông Châu Ngọc Phi – Giám đốc TTKN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cho người dân, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngoài mô hình…
Thông qua đó, nông dân tiếp thu kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất. Trong thời gian tới, TTKN tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các hộ tham gia các mô hình thực hiện đúng quy trình nuôi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của các đối tượng nuôi.
Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh đánh giá, các mô hình mà TTKN tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng hành triển khai thực hiện trên địa bàn đã phát huy hiệu quả với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.