Được biết, mới đây, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phối hợp với UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) tổ chức thu hái 2,5 tấn vải tươi đầu tiên để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, vải tươi được cắt cuống, lá, đóng vào thùng xốp với trọng lượng 13-15 kg quả/thùng, sau đó đưa về Công ty sơ chế, đóng gói. Năm nay, vải thiều mất mùa nên giá bán đầu vụ khá cao, từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, thời điểm này, vải thiều Bắc Giang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Để vải thiều bảo đảm chất lượng đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, tỉnh Bắc Giang duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9 ha.
Song song với đó, tỉnh cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 1.029,7 ha nâng tổng số vùng sản xuất lên 223 vùng trồng, với diện tích 17.724,6 ha; sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.
Để đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhiều phân khúc thị trường, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tập trung theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, chế biến; thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu; chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, bao bì tem nhãn, thùng xốp, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch theo yêu cầu của thị trường.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, hiện tỉnh đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều, với diện tích khoảng 17.198 ha. “Trong năm 2024, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, dự báo sản lượng đạt 100.000 tấn, trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn” – đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết.
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại hai huyện trọng điểm Tân Yên, Lục Ngạn, Bắc Giang thành lập các đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường quốc tế; khảo sát thị trường các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, các chợ đầu mối phía Nam; làm việc với một số tỉnh, thành phố, hệ thống phân phối, chợ đầu mối…
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bắc Giang; thu hút các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước quan tâm, hợp tác, đầu tư tại tỉnh. Song song với đó, Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước, xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cũng trong năm nay, Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các sự kiện; tăng cường trao đổi, hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; thực hiện chiến lược dài hạn trong tiêu thụ, nâng cao giá trị cho các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Song song với đó, Bắc Giang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh…