Vườn rau trên sân thượng từ 800 bao đất
Chị Doãn Thị Oanh (47 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) đã tự tạo vườn rau trên sân thượng vì muốn gia đình có rau sạch để ăn.
Chị đã tự mình lên ý tưởng, dọn dẹp sân thượng 300m2 trên tầng 3 và tầng 4 và vận chuyển đất lên để làm vườn rau. Nhờ bố trí khá hợp lý, các loại bầu bí, mướp đắng, cà chua, su su, củ cải tím, củ cải đỏ, cải thìa, cải mù tạt Hàn Quốc, cải kale Mỹ… được trồng hoàn toàn hữu cơ nên chất lượng rất đậm đà.
Để trồng rau trên sân thượng, chị Oanh đã nghiên cứu cẩn thận, tính toán khối lượng đất để đảm bảo kết cấu ngôi nhà và làm chống thấm sàn nhà kĩ để yên tâm làm “nông dân” sân thượng”.
Nhớ lại khoảng thời gian gây dựng vườn rau, chị Oanh cho hay, vất vả nhất là khâu vận chuyển đất lên sân thượng. Vì khối lượng đất nhiều nên chị thuê máy cẩu vận chuyển 500 bao đất lên với giá 5 triệu đồng.
Sau đó, chị và đứa em dần dần chuyển thêm gần 300 bao đất nữa lên sân thượng, Chị còn tự vác 100 bao trấu gà để về ủ bón cho rau.
Chị Oanh tâm sự tâm sự: “Vườn rau ngoài việc cung cấp rau sạch cho gia đình thì mỗi lần được chăm chút cho cây cối trên sân thượng là mình luôn cảm thấy vui tươi, đầu óc thảnh thơi.
Giữa phố phường chật hẹp, cả gia đình được sống với vườn rau như ở quê là điều thật sự rất vui và hạnh phúc”.
Kinh nghiệm tạo vườn rau hữu cơ
Trong quá trình tạo vườn rau, chị Oanh nhận thấy khó khăn lớn nhất đối với người “nông dân sân thượng” là có ít thời gian để chăm sóc vườn, sau đó khâu làm đất, trộn và xử lý phơi đất.
Chị Oanh chia sẻ, để rau xanh tốt quan trọng nhất ở giá thể, chị trộn đất ruộng, phân gà và phân trâu ủ mục cùng với một chút lân xám, một chút nấm ủ trichoderma. Thời gian ủ từ 20-30ngày là có thể gieo trồng.
Nếu trồng rau xanh thì rút ngắn thời gian ủ đất bằng cách cuốc đất lên cho ải xong rắc cám gạo với bột đậu tương, sau 2-3 ngày có thể trồng lứa rau mới.
Lựa chọn trồng theo phương pháp hữu cơ, nên chị Oanh sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ tự ngâm ủ. Chị thường mua lại những quả trứng dập, sữa hết hạn, chuối chín và những phần bỏ đi từ cá, ngâm với mật đường và chế phẩm vi sinh (dạng bột).
Còn rau ăn lá, chị thường ngâm cá để tưới. Phân hữu cơ tự ủ vừa an toàn cho sức khỏe, rau củ lại xanh tốt.
Hàng ngày, chị phải đảo qua vườn rau để kiểm tra lá, thân, hoa, quả từng loại cây, phát hiện bệnh phải xử lý ngay để không lây lan sang các cây khác.
Để phòng sâu bệnh cho vườn rau, chị Oanh thường phun phòng bằng dung dịch tỏi, gừng, ớt, rượu tự ngâm. Mỗi tuần phun phòng hai lần vào buổi sáng, ngoài ra, chị còn ngâm nước vôi trong tưới cho rau mỗi tuần một lần.
Nhờ chăm sóc thường xuyên, kỹ lưỡng, cộng với chút “mát tay” mà người “nông dân thành thị” đã có ngay vườn rau xanh tốt trên nóc nhà cao tầng.
“Thu hoạch là khâu mà mình thích thú nhất, mình thường chụp ảnh để lưu lại thành quả. Sau đó cùng các con biến món ăn cho cả nhà thưởng thức, khi ăn những hoa quả, rau củ do chính tay mình làm ra cảm thấy rất ngon miệng”, bà mẹ đảm nói.