Trong cuộc đời của mình, mỗi người đều có ít nhất đôi điều hối hận về cách hành xử với cha của mình từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Con cũng đã từng có lần oán giận cha về sự dạy dỗ quá nghiêm khắc, điều đó làm cho con nghĩ rằng cha không thương yêu mình. Con cũng đã từng có lời nói, hành vi vô lễ với cha, thậm chí là bất hiếu, hay quay lưng lại với cha – người đã góp phần sinh tạo ra mình. Tất cả bởi vì con chưa hiểu được sự hy sinh thầm lặng cũng như tấm lòng chân tình, sâu nặng của cha.
Ảnh minh họa |
Nghĩ về những điều ấy, chúng con vẫn thường có cảm giác đau lòng, hối tiếc và mong ước mọi thứ có thể quay lại để có cơ hội sửa sai. Nhưng đó là điều không thể, bởi vì thời gian đã trôi qua không bao giờ quay lại được.
Trong đời sống hàng ngày, những niềm vui, nỗi buồn con thường tỏ bày, tâm sự với mẹ. Có thể giữa cha và mẹ, ai cũng là người mà con yêu thương, kính trọng, nhưng mẹ có lẽ gần gũi với con nhiều hơn, dù con vẫn hiểu rằng, cha đã phải vô cùng vất vả để lo toan cho gia đình với bao gánh nặng chồng chất. Con đã không ít lần thấy cha ngồi trầm ngâm, đượm buồn, ít nói, ít cười, lặng lẽ, cô độc. Trong mỗi bữa cơm, chỉ có mẹ trò chuyện, còn cha thì ăn cho xong bữa. Nhưng thực tiễn đã cho con nhận ra rằng, ẩn kín phía sau sự lạnh lùng, tưởng như vô tâm ấy là tấm lòng bao dung, sự hy sinh thầm lặng, kể cả những nỗi đau được giấu kín trong lòng. Trong mỗi gia đình, cha là kiến thức, là hình tượng cao đẹp để con cái noi theo. Nhưng sự gần gũi giữa cha – con quá ít so với mẹ và thường thì trong tiềm thức của mỗi đứa con là ngôn ngữ thầm lặng. Trái lại, trong cuộc sống hàng ngày, con vẫn thường thấy mọi người hầu như đều tôn vinh mẹ, về tình yêu bao la của mẹ, còn người cha thì hiện ra như chiếc bóng mờ nhạt, gần như bị lãng quên. Thơ ca, âm nhạc… đã có rất nhiều tác phẩm viết về mẹ, nhưng rất ít khi nhắc đến người cha, một cách chân tình, sâu sắc và trọn vẹn. Điều đó đã có lúc làm con chạnh lòng nhớ về cha, nhớ về những điều cha đã dạy, những việc mà cha đã làm vì con. Cha là tấm gương sáng trong gia đình với biết bao việc làm lặng lẽ, âm thầm cho gia đình.
Những ấn tượng về cha cứ hiện dần trong con và nó càng định hình sâu sắc cho đến khi con lớn lên, đi học, rồi đi làm. Những buồn vui, yêu thương, hờn giận về cha được lưu giữ trong tâm trí. Con thương cha vì cha vất vả, chịu đựng. Buồn vì cha không dành thời gian nói chuyện, hiểu con. Cũng có lúc con đã nảy sinh tâm trạng ghét cha vì cha ít quan tâm, mà lại thường hay quát, cấm đoán con nhiều thứ. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều lúc con đã có nhiều suy nghĩ sai lệch về người cha của mình. Khi lớn lên con dần nhận ra cha cũng rất yêu thương con, nhưng thường giấu kín trong lòng, hiếm khi thể hiện ra bên ngoài. Trong khi mẹ bồng bế, hôn nựng, nói với con bao lời yêu thương, trìu mến, thì cha chỉ mỉm cười, im lặng. Trên thế giới này, người khó hiểu được nhất chính là cha. Cha luôn dạy bảo con phải tiết kiệm, trong khi lại lẳng lặng cho con tiền tiêu vặt. Cha trách mắng con mắc lỗi lầm, trong thâm tâm lại không nỡ thấy con bị tổn thương. Cha chưa từng khen con tài giỏi thế nào, trong thâm tâm lại vô cùng tự hào. Các con đa phần chỉ nhìn thấy phần nổi của mẹ, nhưng còn cha, thì tình yêu đối với các con cũng rất sâu đậm, dù không bộc lộ ra ngoài nhưng lúc nào cũng ghi dấu ấn khá sâu sắc. Cái chiều sâu này ít được người con nào thấu hiểu một cách trọn vẹn. Trong gia đình, người mẹ lúc nào cũng có nhiều điều kiện gần con hơn. Khi nhỏ thì bú mẹ, theo mẹ; lớn lên một tí thì ôm chân mẹ, luôn vòi vĩnh mẹ đủ thứ. Còn người cha lại luôn trầm lắng, ít hồ hởi, hiếm khi dịu dàng và mềm mỏng, lại hay la mắng, ít nói chính vì thế đã làm các con ngại tiếp xúc, tâm sự.
Cuộc sống là những chuỗi ngày luôn phải phấn đấu và ước mơ. Và điều con phải ghi nhớ trong lòng là phải luôn kính trọng, thương yêu, và chăm sóc cha mẹ của chúng ta, khi họ không còn đứng vững trên đôi chân mình được nữa.