Để nuôi cá trân châu với diện tích 2 mẫu ao, ông Vũ Đình Văn ở phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bỏ ra 2,5 tỷ đồng. Trong suốt 1 tuần nay, mỗi ngày ông Văn đều xuất bán hơn vạn cá cảnh trân châu thu về hơn chục triệu đồng.
Ông nông dân Vũ Đình Văn phấn khởi cho biết: “Cái thứ cá trân châu này tuy bé tí nhưng ăn nhiều mà đẻ cũng rõ lắm, mẹ đẻ, con đẻ liên tục. Tôi từng nuôi loài cá chép Koi – cá dành cho nhà giàu nhưng thất bại. Nếu nói về hiệu quả kinh tế thì cá trân châu cho thu nhập cao hơn nhiều mà vốn đầu tư cũng ít”.
Hiện nay, mô hình nuôi cá cảnh trân châu của ông Vũ Đình Văn có có hơn 40 loại cá cảnh mini với đủ loại màu sắc sặc sỡ, bắt mắt như: cá hắc mô ly, cá bình tích, cá mặt trăng, cá mặt trời, cá mây chiều, cá đuôi kiếm, cá bảy mày, cá cánh bướm…”.
Ông Văn kể: “Có khách lẻ đến bảo có cái bể cá mini, ông bán cho ít cá cảnh be bé nuôi sao cho đẹp bể, cho hợp phong thuỷ bể cá. Khách yêu cầu về phong thuỷ bể cá như thế, tôi sẽ bắt các loại các trân châu như: Cá hắc mô ly, cá mặt trăng, cá mặt trời, cá kiếm, cá mây chiều…Bắt mỗi loại cá một ít thôi nhưng phải đủ màu, đủ loại…”.
Ông Văn nói thêm: “Với 100.000 đồng thì chỉ mua được 1 – 2 con cá to nhưng với số tiền đó thì người chơi có thể mua được cả một đàn cá cảnh trân châu rồi. Dù là khách mua lẻ hay khách mua sỉ, tôi cũng đều niềm nở, vui vẻ và chu đáo với họ cả”.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc cá trân châu
Ông Vũ Đình Văn gắn bó với nghề nuôi cá cảnh đến nay đã hơn 20 năm. Đầu những năm 2000, ông Văn là nông dân đầu tiên trên địa bàn thành phố Thái Bình đầu tư nuôi cá cảnh.
Ông Văn cho biết: Những năm đầu trong nghề nuôi cá cảnh, ông đầu tư nuôi cá vàng nhưng hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra khó bán. Qua tìm hiểu thị trường, ông Văn nhận thấy thú chơi cá trân châu mini ở nhiều nơi luôn được các gia đình lựa chọn. Ông đã đi nhiều tỉnh để học cách nuôi, đặc tính của loại cá trân châu này, khuya sớm với nghề.
Khi đã nắm chắc kỹ thuật nuôi cá trân châu ông Văn đã mạnh dạn chuyển từ nuôi cá vàng cảnh sang nuôi cá trân châu mini.
Với diện tích hơn 500 m2, ông Văn chia làm 1 ao nuôi cá trân châu thương phẩm và 12 tráng nuôi cá trân châu giống. Hằng tháng, trại cá trân châu của ông Văn cung cấp ra thị trường 30.000 -40.000 con cá cảnh các loại.
Từ nuôi cá trân châu, gia đình ông Văn thu về 300 – 400 triệu đồng/năm. Trừ chi phí cám, thức ăn chăn nuôi, gia đình ông Văn còn bỏ túi 260 triệu đồng/năm.
Khi thu nhập từ việc nuôi và bán cá trân châu bắt đầu khấm khá, đầu năm nay, ông Văn đã “chịu chơi” khi bỏ ra 2,5 tỷ đồng để mua 2 mẫu đất ruộng ở xã Tân Hoà (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và đầu tư xây trang trại mở rộng diện tích nuôi cá trân châu.
Nói về quyết định của mình ông Vũ Đình Văn cười nói: “Một ông nông dân bỏ 2 tỷ rưỡi ra nuôi cá trân châu – ai nghe cũng hốt. Nhưng đây là tôi đang “lấy nó nuôi nó” đấy chứ”.
Chia sẻ về cách nuôi và chăm sóc cá trân châu, ông Văn cho biết: Kỹ thuật nuôi cá cảnh trân châu quan trọng nhất là lưu ý khi gặp trời mưa, thời tiết thay đổi, dễ có nấm thì phải tiến hành xử lý ngay.
Nhất là sau mưa rào, ông Văn phải lấy vôi bột hoà với nước để khử khuẩn cho đàn cá trân châu. Khi trời nắng nóng hay chuyển rét người nuôi cá trân châu phải chủ động điều tiết nhiệt độ trong nước luôn bảo đảm từ 25 – 30 độ C, bảo đảm nguồn cung cấp oxi cho cá.
Thức ăn của cá trân châu rất đa dạng như cám tôm, cám cá. Kinh nghiệm nuôi cá trân châu của ông Vũ Đình Văn là trên thì dùng lưới đen để che nắng cho các ao nuôi cá trân châu; dưới ao thì thả thêm cây bèo bồng.
Theo ông Văn, việc thả cây bèo bồng vào ao nuôi cá trân châu có rất nhiều lợi ích. Ngoài tác dụng che nắng, làm mát ao nuôi thì rễ cây bèo bồng sẽ hút các chất thải của cá, giữ cho mặt nước ao luôn sạch.
Chia sẻ về đặc tính, đặc điểm cá trân châu, ông Vũ Đình Văn cho biết: “Cá trân trâu này rất nhạy cảm với chất lượng nước. Cá trân châu rất háu ăn và đẻ rất khoẻ, rất nhanh, mẹ đẻ, con đẻ liên tục.
Điểm thú vị bất ngờ của loài cá trân châu này là không giống như loài cá cảnh khác. Cá trân châu sau khi sinh con không hề nuôi hay bảo vệ con. Thậm chí, nếu để bị đói, cá trân châu còn có xu hướng ăn thịt cá con. Chính vì vậy rễ cây bèo bồng còn là nơi trú ngụ tuyệt vời của các loại cá trân châu mới nở trước sự tấn công của các loại cá lớn”.