Nhờ nhanh nhạy trong sản xuất, nắm bắt tốt xu thế thị trường, ông Trần Văn Thuật, hội viên Chi hội Nông dân thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã thử nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi chạch sụn cho hiệu quả kinh tế cao.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, Hội Nông dân huyện Đông Hưng thăm mô hình nuôi chạch sụn của ông Trần Văn Thuật, xã Trọng Quan (người thứ hai từ phải sang)Trên diện tích 8.000m2 chuyển đổi từ đất nông nghiệp, những năm trước gia đình ông Thuật chủ yếu nuôi cá truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao.
Đến năm 2021, ông thử nuôi cá Koi nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định.
Trong chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế ở Nam Định, ông thấy có nhiều hộ nuôi thành công chạch sụn.
Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng có xu thế ưa chuộng loài thủy sản này, đầu năm 2022 ông quyết định nuôi thử.
Quá trình theo dõi, ông thấy chạch sụn có nhiều ưu điểm như chu kỳ nuôi ngắn, khoảng 3,5 – 4 tháng/lứa; là loài ít bị bệnh, thịt thơm ngon, mềm hơn so với chạch ta, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Sau gần 4 tháng nuôi thử thành công, ông bắt đầu đầu tư trên toàn bộ diện tích 8.000m2 với 4 ao nuôi. Sau hơn một năm, ông thu hoạch hơn 10 tấn chạch, trừ chi phí thu lãi hơn 160 triệu đồng.
Ông Thuật cho biết: Nuôi chạch sụn cũng nhàn, loài này có đặc tính ăn nổi, phàm ăn nên thức ăn cần bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng.
Chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày vào thời gian nhất định, bảo đảm chúng ăn hết lượng thức ăn, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Quá trình nuôi cần chú ý nguồn nước trong ao luôn sạch và lượng nước đủ lớn, định kỳ thay nước ao nuôi sẽ bảo đảm chạch sinh trưởng và phát triển tốt…
Thời gian tới tôi tiếp tục duy trì quy mô nuôi chạch sụn hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng khu ao nuôi chạch giống để chủ động nguồn giống phục vụ gia đình và cung ứng cho thị trường.
Ông Dương Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Quan cho biết: Mô hình nuôi chạch sụn của ông Trần Văn Thuật là mô hình mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Hội Nông dân xã Trọng Quang sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về hiệu quả của mô hình nuôi chạch sụn của ông Thuật.
Đồng thời Hội tổ chức cho hội viên, nông dân có nhu cầu tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng làm theo…
Từ hiệu quả nuôi chạch sụn của ông Thuật đã mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã Trọng Quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.