Hai người quen của tôi sẽ có một người “chết” trên đống tài sản.
Tôi có hai người quen giàu có, một người nhờ bất động sản (BĐS) mà giàu. Người kia kinh doanh thu nhập khá, rồi cũng nhờ mua BĐS từ lúc giá rẻ đến này tổng tài sản chắc cũng tầm 70 tỷ đồng mỗi người. Đó là tính theo giá thị trường thời sốt đất. Trong đó một người vay tầm 10 tỷ, người kia vay gần 20 tỷ đồng.
Nay một người không có khả năng trả lãi vì thu nhập mỗi tháng chỉ tầm 30 triệu đồng thì làm sao trả lãi nổi? Người kia thì có cửa hàng kinh doanh mỗi tháng thu về cũng tầm 200 triệu đồng.
Nhưng vấn đề là giá BĐS hiện nay đã xuống, một trong hai người sẽ có một người “chết” trên đống tài sản. Vậy đó, thị trường cũng khắc nghiệt lắm. Thay vì bán rẻ họ không chịu, đất không phải ở vùng quê mà ở ngay trung tâm thành phố, chỉ là giá quá cao họ không chịu giảm để bán mà tìm cách cầm cự chờ giá lên.
Thời gian qua tôi nghiên cứu kỹ về BĐS vùng xa. Đợt suy giảm này là theo quy luật, vì phàm là việc gì cũng phải đến lúc vỡ. BĐS thời gian qua đã nén cao độ về giá.
Sắp tới BĐS ở xa trung tâm còn giảm nữa. Một khi vùng lõi BĐS trung tâm xuống nhiều thì BĐS ở xa gần như không ai ngó ngàng đến. Nhiều nhà đầu tư cố gắng gồng chờ hy vọng lãi suất giảm. Sẽ có người mua nên ai cũng nuôi mộng.
Nhưng họ quên rằng ngân hàng giảm lãi suất không phải để giải cứu cho những ai chờ giá. Mà lãi suất giảm chẳng qua là rộng cửa cho những ai chịu bán BĐS giảm giá xuống nhanh để có người mua. Hoặc những ai vẫn còn BĐS mới chưa từng đưa vào thế chấp thì nay đưa vào thế chấp để được giải ngân.
Những ai đã và đang thế chấp vay thì gần như rất khó để tiếp tục vay thêm. Nợ xấu vẫn treo lơ lửng thì làm sao vay tiếp được? Cho nên từ đây đến cuối năm hay sang 2024 các nhà đầu tư đối mặt khó khăn nhiều hơn. Vì không chịu lỗ giảm giá BĐS. Họ hy vọng nhiều thứ để gồng BĐS thì càng héo mòn với niềm hy vọng đó.