Tâm sự nghề của một môi giới nhà đất: Nhà đầu tư thích qua mặt môi giới – khôn hay dại?

“Qua mặt môi giới thì dễ, sử dụng môi giới thông minh mới khó”.

Thị trường tồn tại một bộ phận môi giới bất động sản (BĐS) với nhiều mánh khóe, chiêu trò để kiếm lợi từ các giao dịch giữa người bán và người mua. Ngược lại cũng nhiều môi giới thực sự có tâm, làm việc tận tình, trách nhiệm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dù làm tốt thế nào, môi giới bất động sản vẫn bị khách hàng qua mặt và mất trắng hoa hồng.

Qua mặt môi giới BĐS là gì?

Theo anh Đăng Dương, chủ kênh Youtube Nhà Đẹp Đăng Dương – một môi giới trong mảng BĐS, thì hành động qua mặt môi giới hiểu nôm na là sau khi đã được hỗ trợ tìm kiếm sản phẩm BĐS ưng ý, người bán và người mua sẽ âm thầm tự làm việc với nhau, gạt môi giới ra một bên. Vì thế, môi giới sẽ bị mất trắng thời gian, công sức và không được nhận hoa hồng.

Một trường hợp khác, thường được các nhà đầu tư “cáo già” áp dụng đó là vẫn nhờ môi giới tìm kiếm, dẫn đi xem nhưng đến lúc xuống tiền lại để người khác làm thay. Ví dụ hai người A, B cùng chung nhau đầu tư. Người A nhờ môi giới dẫn đến xem nhà nhưng người B mới là người mua cuối cùng. Trường hợp này, dù chủ nhà tử tế không muốn qua mặt môi giới thì người môi giới vẫn phải chịu thiệt.

Anh Đăng Dương lý giải hành động qua mặt môi giới thường có 2 lý do.

Đầu tiên là lòng tham. Một căn nhà giá bán 3 tỷ đồng thì phí môi giới có thể dao động 30-50 triệu đồng. Số tiền này không hề nhỏ và có thể giúp chủ nhà sắm thêm đồ nội thất trong căn nhà mới của mình. Vì vậy có lựa chọn qua mặt môi giới hay không sẽ phụ thuộc vào lương tâm của người bán lẫn người mua.

Ngoài lòng tham, với một số người, việc qua mặt môi giới làm họ cảm thấy thích thú, thỏa mãn, tất nhiên có đi kèm với lợi ích kinh tế kể trên.

Một khía cạnh khác được anh Dương cho rằng có thể tạm thông cảm, đó là người môi giới chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình chăm sóc khách hàng. Môi giới chỉ đơn giản đưa người bán tới gặp người mua, còn mọi việc hai bên phải tự thỏa thuận với nhau khiến khách cảm thấy mệt mỏi, mất thời gian. Từ đó, khách không muốn trả mấy chục triệu đồng phí môi giới vì thấy không xứng đáng.

Tâm sự nghề của một môi giới nhà đất: Nhà đầu tư thích qua mặt môi giới - khôn hay dại? - Ảnh 1.

Qua mặt môi giới BĐS: Hệ quả trước mắt và lâu dài

“Nếu môi giới dành hết sức lực, tâm huyết, thời gian và tình cảm giúp người mua, người bán đến được với nhau, mua được BĐS ưng ý, mọi chuyện suôn sẻ nhưng 2 bên vẫn cố tình đẩy môi giới ra, chèn ép bạn ấy, ví dụ cần trả phí 30 triệu nhưng chỉ đưa 5 triệu, thì đó là sự bất công. Việc qua mặt môi giới làm lòng tham trở nên lớn hơn, và người có lòng tham thường không nhận về kết quả hay ho gì”, anh Dương nêu quan điểm.

Chủ kênh Nhà Đẹp Đăng Dương giải thích thêm rằng nhiều người nghĩ số tiền môi giới nhận về vài chục triệu/mỗi căn nhà là rất nhiều. Tuy nhiên công sức môi giới bỏ ra cũng không hề ít, từ việc tự mình quay phim, chụp ảnh, đưa khách đi xem từng sản phẩm, canh giờ đẹp đăng thông tin lên các hội nhóm, lo thủ tục giao dịch, pháp lý, giải thích chỗ này chỗ kia cho khách hàng mới mua nhà lần đầu, bỏ tiền chạy quảng cáo,… Chưa kể phải làm 5-10 căn nhà mới bán được một căn, và có trường hợp trong vòng 3-6 tháng, môi giới chỉ bán được một căn duy nhất.

“Dương chứng kiến nhiều bạn môi giới mới vào làm đã khóc vì ức quá, không biết làm thế nào. Nhiều khách hàng có tiền, có quyền, có địa vị… tưởng chừng rất đàng hoàng nhưng vẫn qua mặt môi giới như thường, vẫn không vượt qua được cám dỗ bỏ túi vài chục triệu đồng”, anh Đăng Dương nhìn nhận.

Cũng theo Youtuber này, nếu qua mặt môi giới, một hậu quả mà người mua có thể nhận về đó là bị “bóc phốt” trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới danh dự, công việc và các mối quan hệ.

Quan trọng hơn, trong tương lai xa, người mua sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền, cơ hội tiếp cận các BĐS có giá trị. Bởi nhiều môi giới sâu sát với thị trường, đánh giá tốt, chỉ là không đủ điều kiện kinh tế để tự đứng ra đầu tư. Nếu qua mặt môi giới, thì sau này dù có biết miếng đất rẻ hơn 5-7 giá so với thị trường, môi giới cũng không bao giờ giới thiệu tới những người mua “lật lọng”.

Với một số trường hợp lập luận rằng chỉ mua nhà 1 lần, qua mặt môi giới cũng không vấn đề gì, anh Đăng Dương nhìn nhận biết đâu sau này người chủ muốn bán ngôi nhà đó, hoặc có một khoản tiền đầu tư cần rót vào BĐS thay vì mua vàng, thì làm việc với bất cứ môi giới nào khác cũng khó khăn hơn. Bởi các thông tin “bóc phốt” đã được chia sẻ trong cộng động môi giới, đa phần những người môi giới còn lại sẽ từ chối làm việc hoặc có làm việc cùng cũng trong trạng thái đề phòng, không thể tận tâm và hết lòng.

“Một nhà đầu tư BĐS thông minh là người biết sử dụng đòn bẩy tài chính, đòn bẩy con người và đòn bẩy thời gian. Đòn bẩy tài chính là tiền, đòn bẩy thời gian thì dùng chính thời gian của môi giới, đòn bẩy con người là bản thân môi giới đó. Qua mặt môi giới thì dễ, sử dụng môi giới thông minh mới khó”, anh Dương kết luận.