Nghe mấy cụ cao niên kể lại thì cây sầu riêng đã bén duyên với vùng đất Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng rất lâu năm. Hồi đó, người ta nhân giống chủ yếu bằng cách lấy hạt ươm lên thành cây con để trồng chứ không ghép cành như bây giờ.
Chính vì trồng bằng hạt nên thời gian từ trồng đến cây cho trái phải mất cả chục năm. Đời sống người dân lúc đó còn rất nhiều khó khăn, họ chỉ trồng những loại cây cho trái nhanh và dễ chứ không mấy ai mặn mòi với cây sầu riêng.
Chỉ có những gia đình khá giả, dư của ăn, của để mới đem sầu riêng về trồng.
Quy trình trồng sầu riêng hồi trước cũng rất tự nhiên, chỉ việc ươm hạt thành cây con là trồng.
Mùa nắng thì thỉnh thoảng chỉ múc vài gàu nước để tưới cho cây chứ chẳng có phân bón, thuốc trừ sâu gì cả.
Có chăng cũng chỉ là các sản phẩm phân bón từ chất thải của trâu, bò, gà, vịt, chủ vườn thấy bỏ thì tiếc nên cứ đổ vào cây. Ấy vậy mà cây chẳng hề bị sâu bệnh, cứ xanh rì, vươn thẳng.
Mùa sầu riêng ra hoa thường trước tết Nguyên đán. Khi gió chướng lùa về thì cây bắt đầu rụng lá, rồi các mầm hoa màu vàng xanh như hạt đậu xanh từ bên trong các cành cây cũng bắt đầu trồi ra.
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Sầu riêng chủ yếu chỉ nở hoa vào ban đêm, hương hoa rất nồng nên nhiều người không quen cũng cảm thấy khó chịu.
Chừng tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện thì cũng là lúc hương sầu riêng theo gió tỏa đi khắp làng trên xóm dưới.
Sầu riêng thường chín và rụng vào ban đêm nên chủ vườn phải canh để lượm, thức trễ một chút là có mấy tay nhám nhúa trong xóm “lụm thay”.
Theo thời gian thì nhiều giống sầu riêng mới cũng bắt đầu “tìm đến” với vùng đất Kế Sách như: Ri6, Monthong, Musang King…
Sầu riêng bây giờ được trồng bằng cách ghép cành nên thời gian từ trồng đến cho thu hoạch cũng chỉ mất từ 4 – 5 năm.
Chất lượng sầu riêng cũng ngày càng được nâng cao. Hiện tại, chủ yếu là các giống sầu riêng cơm vàng, hạt lép, các loại sầu riêng hạt to, cơm mỏng hồi trước giờ chỉ còn được nhắc trong những câu chuyện kể của các lão nông.
Trồng sầu riêng bây giờ không phải dễ. Không phải nơi nào vị “hoàng đế” này cũng chịu tại vị, đặc biệt là các vùng nước mặn và bị nước mặn xâm nhập.
Muốn trồng được sầu riêng phải đắp mô đất thật cao, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao thì cây sầu riêng mới nhanh phát triển.
Đặc biệt là trong thời điểm cây nở hoa, người trồng phải canh trời chạng vạng có sương xuống rồi dùng chổi bông cỏ để quét nụ, thụ phấn cho hoa, công việc này được thực hiện liên tục hàng tháng trời, chừng nào trái sầu riêng thành hình thì mới thôi.
Vất vả là vậy, nhưng người dân quê tôi còn phải đối mặt với nhiều rủi ro như tình trạng xâm nhập mặn trong những năm gần đây, rồi điệp khúc được mùa mất giá.
Dù vậy, với họ sầu riêng vẫn là niềm mơ ước đổi đời số một. Người người, nhà nhà cứ thi nhau cải tạo vườn tạp, bỏ đất trồng lúa để lên liếp trồng sầu riêng. Cây sầu riêng cũng trở thành chủ đề chính được bàn tán trong các dịp đám tiệc, lễ, Tết.
Nhiều căn biệt thự cũng mọc lên sau những vụ sầu riêng thắng lợi nhưng kéo theo đó cũng không ít những căn nhà vắng chủ, những khu vườn đổi chủ vì người trồng không đủ sức cung phụng cho cuộc sống xa hoa của “ông hoàng” này.
Bây giờ muốn ăn được trái sầu riêng chín cây tự nhiên như hồi xưa cũng được xem là một điều xa xỉ. Bởi cứ tới tuổi là thương lái cắt ngay sầu riêng còn sống trên cây, sau đó phải xử lý qua nhiều công đoạn rồi mới đem ra phục vụ thị trường hoặc để xuất khẩu.
Bây giờ, sầu riêng tràn ngập làng quê, nhưng mùi hương nồng nàn của nó như ngày trước thì đã trôi xa tự nơi nào. Tụi con nít ở quê thì cũng không còn trông chờ những cơn mưa đầu mùa để được thưởng thức sầu riêng vì loại trái này đã có mặt quanh năm ngoài chợ.
Cái cảm giác thèm thuồng hương vị sầu riêng có chăng cũng chỉ còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ của những người từng trải qua những tháng ngày lam lũ nơi làng quê đậm đà tình nghĩa.