Với diện tích sân thượng khá hạn chế nhưng bằng sự khéo léo của mình, chị Thuận đã cải tạo, sắp xếp thành không gian để trồng đủ loại rau củ sạch và là nơi cả gia đình thư giãn trong mùa dịch.
Dù bận rộn với công việc giảng dạy tại trường ĐH Đà Lạt, nhưng chị Phan Kiều Thuận (Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn dành thời gian để làm vườn. Chị cho biết, ngay từ khi còn nhỏ chị đã yêu cây cối và rất thích trồng trọt. Sau này khi có gia đình, đặc biệt từ khi sinh con nhỏ, mình nhận thấy nếu tự trồng được rau sẽ đảm bảo nguồn rau sạch cho con và gia đình ăn hàng ngày, nên mình bắt tay vào việc trồng rau.
Sau một thời gian dài trồng rau quả, không gian trên cao của gia đình chị Thuận đã được phủ xanh đủ loại cây. Không gian ấy vừa là nơi cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình vừa giúp chị giải tỏa căng thẳng, cân bằng tâm trạng.
Mẹ đảm Đà Lạt trồng rau dựa theo kinh nghiệm của bản thân, những gì quan sát và học hỏi từ ông bà, bố mẹ. Bên cạnh đó, chị cũng lên mạng tìm hiểu cách trồng rau sân thượng sao cho hiệu quả nhất.
Sân thượng nhà chị Thuận rộng khoảng 20m2, chị thuê đóng kệ sắt thành 3 tầng, 2 tầng dưới trồng các loại rau ngắn ngày: Rau cải, muống, mồng tơi, rau bó xôi, rau dền…
Tầng trên cùng làm dàn để trồng các loại dây leo như: Bầu, mướp, khổ qua…
Vì diện tích có hạn, nên chị trồng luân phiên và xen kẽ các loại rau ăn lá cũng như rau gia vị: Hành, ngò, diếp cá… để đảm bảo gia đình luôn có đa dạng các loại rau.
Trong quá trình trồng, chị Thuận gặp khó khăn nhất ở giai đoạn đầu như: Bê kệ sắt, phân bón, đất trồng, thùng chậu…. lên sân thượng khá vất vả. Sau này là các vấn đề liên quan đến sâu bệnh hại cây.
Thời tiết Đà Lạt khá thuận lợi cho việc trồng rau, tuy nhiên để phòng ngừa sâu bệnh, chị Thuận dùng các cách truyền thống như: Dùng vỏ dưa hấu để làm bẫy bắt ốc sên, rắc vôi bột vào đất, không trồng cùng một loại rau liên tục trên 1 chậu đất mà nên trồng luân phiên các loại khác nhau, cải tạo đất bằng cách trồng các cây họ đậu…
Để rau tươi tốt, khâu chuẩn bị đất cũng rất quan trọng. Mẹ đảm trộn đất cùng phân gà, và tận dụng rác thải từ nhà bếp (vỏ rau củ thừa, vỏ trái cây, vỏ trứng…) để bón cho cây. Cách này vừa tiết kiệm, không cần sử dụng các loại phân hóa học mà cây vẫn xanh tốt.
Chị Thuận chia sẻ, hạnh phúc nhất là nhìn những mầm cây lớn lên từng ngày, và cả những lúc thu hoạch thành quả của mình.
Thu hoạch được nhiều rau củ ăn, chị thường được đem biếu tặng người thân và bạn bè.
Mẹ đảm Đà Lạt còn tự nuôi trồng được nấm sạch tại nhà.
Chị cũng cho biết, gia đình hỗ trợ rất nhiều khi làm vườn, ông xã giúp chị các việc nặng như vác đất và phân bón lên sân thượng. Các con phụ mẹ tưới rau và chúng cũng rất háo hức khi được thu hoạch cùng mẹ.
“Mảnh vườn nhỏ cũng là nơi để mình dạy con gần gũi với thiên nhiên hơn, biết yêu cây cối và trân trọng nguồn thực phẩm mà mình có được”, mẹ đảm chia sẻ.
Chị Thuận thường dành thời gian vào buổi tối và cuối tuần để làm vườn. Thời gian dịch bệnh này, chị cũng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc mảnh vườn. Thời gian tới, mẹ đảm có ý định trồng thêm các loại cây cho ăn trái ngắn ngày như: Dưa hấu, dưa gang…
Trong những ngày giãn cách, khu vườn không những cung cấp rau củ quả sạch, mà còn là không gian thư giãn, giúp các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn.