Sáp nhập Thái Bình: Trước khi xác lập kỷ lục 135 năm chưa từng bị sáp nhập, một huyện ở Thái Bình từng thuộc tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên và Thái Bình đang bước vào giai đoạn quan trọng trong tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương. UBND 2 tỉnh đã đồng thời triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo đề án hợp nhất, trong đó một nội dung đáng chú ý là tên gọi dự kiến của tỉnh mới: tỉnh Hưng Yên.
Việc sáp nhập Thái Bình với Hưng Yên – một vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời, nổi tiếng với nhãn lồng, tương Bần, bánh răng bừa, không chỉ mở ra cơ hội kết nối về giao thông, hành chính mà còn có thể tạo nên một “vành đai ẩm thực” đặc sắc, trải dài từ bờ Bắc sông Luộc đến triền Nam sông Hồng.

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, thời kỳ phong kiến tự chủ năm 938, đất Thái Bình thuộc Châu Đằng (gồm phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình).
Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), khi nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành các tỉnh, vùng đất Thái Bình chưa được xác lập là một tỉnh riêng mà chia ra thuộc hai tỉnh: Nam Định (các huyện Thái Bình, Thanh Quan, Kiến Xương) và Hưng Yên (các huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân). Ngoài ra, một số phân phủ được thiết lập để kiêm nhiếp quản lý thêm các huyện như Thư Trì, Tiền Hải, Thuỵ Anh.
Ngày 21/3/1890, toàn quyền Pháp ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình – chính thức xác lập đơn vị hành chính độc lập, bao gồm 10 huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Ðông Quan, Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thần Khê. Đến năm 1894, hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà từ Hưng Yên được nhập vào, hoàn chỉnh địa giới hành chính tỉnh Thái Bình với 3 phủ: Tiên Hưng, Thái Ninh, Kiến Xương.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị tổng được bãi bỏ, phủ đổi thành huyện. Đến năm 1969, Nhà nước tiến hành hợp nhất và điều chỉnh các đơn vị hành chính, hình thành các huyện như Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư… Năm 1982 và 1986, một số xã của huyện Vũ Thư được sáp nhập vào thị xã Thái Bình, mở rộng địa giới hành chính. Từ đó đến nay, Thái Bình gồm 8 đơn vị hành chính: thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Vũ Thư, Quỳnh Phụ.

Trong dòng chảy lịch sử đất Việt, suốt 135 năm kể từ ngày được thành lập vào năm 1890, mảnh đất Thái Bình chưa từng bị chia tách, đổi tên hay sáp nhập – một sự bền bỉ hiếm có giữa bao cuộc thay da đổi thịt của bản đồ hành chính đất nước. Trải qua nhiều lần điều chỉnh cấp huyện, xã, nhưng đơn vị cấp tỉnh vẫn giữ nguyên vẹn. Tên gọi “tỉnh Thái Bình” đã tồn tại liên tục suốt 135 năm, trở thành một biểu tượng của sự ổn định, bền vững và gắn bó sâu sắc với văn hóa lịch sử của vùng châu thổ sông Hồng.
Trong rất nhiều kịch bản sáp nhập hành chính đang được thảo luận, nếu Thái Bình và Hưng Yên hợp nhất thành một tỉnh mới, đây sẽ không chỉ là sự thay đổi trên bản đồ địa lý – hành chính, mà còn là một “cú huých” đáng kể cho sự phát triển của du lịch ẩm thực vùng đồng bằng sông Hồng.
Sáp nhập Thái Bình: Ngân vang bản giao hưởng ẩm thực từ hai bờ sông Hồng sau khi hợp nhất

Thái Bình từ lâu đã được biết đến là vùng đất trù phú, giàu bản sắc với hàng chục món đặc sản đậm hương vị quê. Chỉ riêng các sản vật gắn với làng nghề truyền thống đã đủ để tạo thành một bản đồ ẩm thực hấp dẫn, từ bánh cáy làng Nguyễn, nộm sứa Thái Thụy, nem chạo Vị Thủy, mì gạo Dụ Đại cho tới món canh cá Quỳnh Côi nổi danh khắp miền Bắc.
Thái Bình cũng là nơi quy tụ nhiều đặc sản biển như cá nướng Thái Xuyên, rươi Thụy Việt, vịt biển Đông Xuyên, nước mắm Diêm Điền,… những yếu tố giúp tỉnh này có thể phát triển mạnh các tuyến du lịch sinh thái – ẩm thực ven biển trong tương lai gần.

Ngoài những đặc sản kể trên, Thái Bình còn có một món ăn đặc biệt lâu đời là bánh Hú – mang trong mình câu chuyện lịch sử và nét đẹp văn hóa dân gian sâu sắc. Tương truyền, vào thời Quang Trung Nguyễn Huệ, tướng quân Đô đài lực sĩ Nguyễn Tất Ứng, người thôn Kiều Thần, Tổng An Lão (nay thuộc xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình), đã dẫn quân đi dẹp giặc ngoại xâm.
Khi trận chiến oanh liệt Ngọc Hồi – Đống Đa vào năm 1789 kết thúc thắng lợi vào dịp cuối tháng Giêng, dân làng Kiều Thần đã tổ chức tết lại để đón xuân, gọi là “Tết Cùng”. Hàng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, người dân Song An lại tưng bừng làm bánh Hú để tưởng nhớ chiến công oanh liệt và duy trì truyền thống.

Để làm bánh Hú, nguyên liệu không thể thiếu là rau khúc với hai loại là rau khúc ông và rau khúc bà. Dân làng thường chọn rau khúc bà, vì loại này có hương vị thơm ngon, làm bánh sẽ hấp dẫn hơn. Rau khúc được vặt lấy hoa, giã nhỏ và vắt bỏ nước, sau đó trộn với bột gạo tám thơm để làm vỏ bánh.
Bánh Hú có hình dáng đặc trưng giống bánh gối – nửa vầng trăng, khác biệt so với bánh khúc thông thường. Các nghệ nhân dân gian còn khéo léo nặn bánh thành hình các con vật ngộ nghĩnh như con cò, con voi, mang đến sự vui tươi cho ngày Tết.
Sau khi nặn xong, mỗi chiếc bánh được gói hờ trong lá chuối tươi, xếp chồng lên nhau trong chõ, mỗi lượt bánh thêm một lớp gạo nếp. Khi hấp, lá chuối sẽ tạo ra hương vị đặc biệt, dân dã và đậm đà khiến ai thưởng thức cũng phải nhớ mãi.

Ẩm thực Thái Bình còn thể hiện sự phong phú và đa dạng qua đặc sản độc đáo như cuốn hành ở huyện Tiền Hải. Khác với các món cuốn phổ biến khác có thể chế biến quanh năm, cuốn hành Tiền Hải ngon nhất vào cuối đông, đầu xuân khi hành củ chính vụ.
Cuốn hành bao gồm hành củ tươi nhỏ, tôm hấp cùng sả để giữ hương vị tươi ngon, đậu phụ rán giòn bên ngoài, trứng gà rán, bún lá xắt nhỏ và rau thơm. Đặc biệt, nước mắm chấm là yếu tố quan trọng, có thể là mắm chắt tép nguyên chất pha thêm chanh, ớt hoặc nước mắm chua ngọt, giúp tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.
Các nguyên liệu phải được thái mỏng, đều và dài khoảng hai đốt ngón tay, giúp miếng cuốn vuông vắn, đẹp mắt. Quá trình cuộn cũng cần đôi tay nhẹ nhàng để đan xen các nguyên liệu sao cho nổi bật màu sắc mà không bị đứt gãy. Thành phẩm cuối cùng là những miếng cuốn vừa vặn, gọn gàng, dễ ăn và đầy đủ hương vị.

Bên cạnh những đặc sản nổi bật, ẩm thực Thái Bình còn ghi dấu ấn với chè Mét – một thức uống dân dã mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất ven sông Hồng, đã gắn bó với người dân xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư) từ hàng trăm năm nay. Chè Mét Việt Thuận có hương vị đặc biệt mà ít nơi nào có được. Chén chè vàng óng, thơm phức trong làn hơi nóng bốc lên, khi thưởng thức, người ta cảm nhận được vị ngọt đượm mà không hề chát như những loại chè trồng ở vùng đất khác.
Thái Bình còn ghi dấu với danh hiệu là “thủ phủ” của những món quà quê đặc sắc, gợi nhớ về truyền thống lâu đời và nếp sống bình dị của người dân. Bánh gai Đại Đồng nổi bật với nhân đỗ quyện với nếp, vừng và dừa nhưng không quá ngọt.
Bánh chưng Cầu Báng được gói vuông vắn bằng lá dong, với nhân đỗ, thịt mỡ, hạt tiêu hòa quyện mang một hương vị riêng biệt, vừa đủ độ ngậy. Bánh nếp Tân Hòa đặc biệt bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa gạo nếp và vừng rang, tạo nên hương vị thanh mát, lý tưởng trong những ngày hè oi ả.

Ẩm thực không chỉ là ăn uống, mà còn là nơi lưu giữ hồn cốt của vùng đất. Việc sáp nhập Hưng Yên – Thái Bình sẽ là cơ hội để những giá trị đó được nối dài, lan tỏa, không chỉ trong phạm vi tỉnh mà còn ra ngoài vùng, cả nước và quốc tế. Nếu Thái Bình là miền vị mặn thì Hưng Yên lại là vùng đất của trái ngọt và sản vật phong phú.
Nhãn lồng Hưng Yên, tương Bần, chả gà Tiểu Quan, bánh răng bừa Khoái Châu,… là những món ăn vừa dân dã vừa mang đậm dấu ấn. Một tỉnh mới với hai dòng văn hóa lâu đời gặp nhau, hứa hẹn sẽ mang lại sức bật mới cho du lịch ẩm thực đồng bằng sông Hồng – nơi hương quê chan hòa, đậm đà như bát canh mùa gặt và ngọt lành như nhãn chín đầu thu.
Nguồn: https://danviet.vn/tinh-duy-nhat-tai-viet-nam-135-nam-chua-tung-bi-doi-ten-sap-nhap-nay-tung-noi-danh-voi-dac-san-gi-d1326956.html