Sáp nhập Quảng Bình,Quảng Trị, kỳ vọng nông nghiệp đổi thay khi “đất cát gặp đất đỏ bazan”

Khi “đất cát song hành cùng đất đỏ bazan”

Quảng Bình với những triền cát trắng chạy dài ven biển, đất pha cát ít dinh dưỡng từ lâu đã gắn bó với những mô hình trồng khoai lang, lạc, rau màu chịu hạn.

Mô hình trồng khoai lang trên đất pha cát tại xã Lý Nam (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho năng suất hơn 17 tấn/ha, mang lại lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng mỗi vụ cho nông dân.

Nhờ sự đổi mới trong tư duy và áp dụng công nghệ, nông dân trên vùng đất cát Quảng Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Trong khi đó, Quảng Trị nổi tiếng với đất đỏ bazan – loại đất phù sa cổ rất thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu.

Với diện tích khoảng 20.000ha đất đỏ bazan, đặc biệt, tập trung tại các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh, đang trở thành vùng đất hứa cho phát triển nông nghiệp nhờ vào đặc tính thổ nhưỡng màu mỡ và đa dạng sinh thái.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã và đang đẩy mạnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ và áp dụng công nghệ cao để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, như: Mỹ, EU, Nhật Bản…

Nông dân trồng tiêu ở Quảng Trị tạo ra thứ hạt có vị cay nồng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Anh Nguyễn Viết Thịnh – nông dân trồng khoai ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Tôi muốn đưa giống cây vùng đất đỏ như hồ tiêu hay sắn cao sản về trồng thử trên đất nhà mình.

Giờ hai tỉnh là một, chuyện học hỏi, giao lưu kinh nghiệm, thậm chí thử nghiệm giống cây thuận lợi hơn nhiều”.

Nông dân Nguyễn Văn Nam (ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chia sẻ: “Điểm then chốt sau cuộc sáp nhập không nằm ở màu đất mà ở sự thay đổi tư duy làm nông.

Những chính sách hỗ trợ vùng chuyển đổi cây trồng, xây dựng thương hiệu nông sản, đầu tư vào chế biến… nếu được thực hiện đồng bộ sẽ giúp “đất cát” và “đất đỏ” không còn cách biệt, mà hòa vào nhau trong một chiến lược nông nghiệp thông minh”.

Mô hình trồng khoai lang trên cát ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), thứ khoai trồng trên đất cát rất bùi, có hộ thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha. 

“Việc hợp nhất 2 tỉnh giúp các giống cây trồng, mô hình canh tác có thể liên thông, giống lúa chịu hạn ở Quảng Bình có thể được thử nghiệm trên vùng đất cao của Quảng Trị. Ngược lại, giống hồ tiêu, sắn công nghiệp ở Quảng Trị có thể được phát triển ở vùng gò đồi Quảng Bình, nơi trước đây còn manh mún, khó đầu tư lớn”, nông dân Trần Văn Dũng (ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình”, cho hay.

Còn ông Lê Văn Tín (ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) kỳ vọng: “Khi hai tỉnh trở thành một thể thống nhất, chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản sẽ được kết nối mạch lạc. Từ vùng nguyên liệu đến khu công nghiệp chế biến, từ trang trại ra cảng biển. Điều mà trước đây hai tỉnh nhỏ lẻ chưa tối ưu được”.

“Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là thay đổi ranh giới hành chính, mà còn là cơ hội định hình một nền nông nghiệp mới, nơi đất cát không còn đơn độc, đất đỏ không chỉ phát triển một mình”, ông Tín nói.

Tỉnh mới sau sáp nhập có 78 đơn vị hành chính cấp xã, 1 đặc khu

Liên quan tới việc sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Quảng Bình đã xây dựng đề án hợp nhất 2 tỉnh mang tên Quảng Trị, tỉnh mới sẽ có 78 đơn vị hành chính cấp xã, 1 đặc khu đảo Cồn Cỏ đồng thời trung tâm hành chính đặt tại Đồng Hới.

Theo đề án, sau khi sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị, tỉnh mới sẽ mang tên Quảng Trị.

Tỉnh mới tiếp tục nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, giáp Hà Tĩnh ở phía Bắc, thành phố Huế ở phía Nam, giáp Lào ở phía Tây và biển Đông ở phía Đông. Vị trí địa lý quan trọng này mang đến tiềm năng lớn để phát triển du lịch, kinh tế biển, Logistics, thương mại quốc tế và mở rộng hành lang kinh tế Đông – Tây.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong Đề án là việc tinh giản mạnh mẽ các đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 264 xuống còn 78 đơn vị. Trong đó, Quảng Bình sẽ còn 41 đơn vị (5 phường, 36 xã), Quảng Trị còn 37 đơn vị (3 phường, 33 xã, 1 đặc khu đảo Cồn Cỏ).

Tỉnh Quảng Trị mới sẽ đặt trung tâm hành chính tại Đồng Hới (Quảng Bình)

Đặc biệt, sau sáp nhập, tỉnh mới không tăng tổng biên chế. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cơ cấu lại trong 5 năm theo hướng tinh giản, nâng cao hiệu quả hoạt động. 100% biên chế công chức cấp huyện sẽ được điều chuyển xuống cấp xã, phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Dự kiến, đến ngày 1/7, toàn bộ 18 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay (8 của Quảng Bình, 10 của Quảng Trị) sẽ chấm dứt hoạt động để chuyển sang mô hình tổ chức mới. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết, tỉnh mới sẽ tổ chức lại toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức đoàn thể.

Theo Đề án, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số khoảng 1.860.967 người. Trung tâm hành chính được đặt tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình – nơi có cơ sở hạ tầng phát triển và vị trí chiến lược thuận lợi.


Nguồn: https://danviet.vn/sap-nhap-quang-binhquang-tri-ky-vong-nong-nghiep-doi-thay-khi-dat-cat-gap-dat-do-bazan-d1326340.html