Đào ao nuôi cá lóc là thành công lớn của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ.
Anh Trần Kim Phi ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), là người đi đầu trong phong trào nuôi cá lóc ở địa phương, anh Phi không những làm giàu cho bản thân mà còn có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ bà con trong vùng phát triển kinh tế.
Anh Phi sinh năm 1976 trong một gia đình ngư dân ở vùng biển Lệ Thủy. Trước đây, anh Phi làm nghề đánh bắt cá gần bờ, nguồn thu nhập bấp bênh chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Năm 20 tuổi, anh Phi vào Nam học được nghề nuôi cá trên cát, rồi trở về quê bắt đầu nghề nuôi cá trê.
Tuy nhiên, thấy cá trê mất nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận thấp, trong khi cá lóc phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường vùng biển Lệ Thủy nên anh chuyển sang nuôi cá lóc trên cát. Ban đầu, anh thả 3 ao cá lóc với tổng diện tích 240m2. Sau khoảng 5 tháng, anh Phi thu hoạch được hơn 1 tấn cá lóc với lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.
Thấy đây là mô hình cho hiệu quả cao, anh đã chuyển đổi diện tích trồng khoai lang để mở rộng ao nuôi cá lóc. Khi đã nắm chắc kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ, anh chuyển từ nuôi cá lóc với nguồn thức ăn bằng cá biển sang nuôi bằng nguồn thức ăn công nghiệp. Hiện nay, với 8 ao nuôi, sản lượng cá thịt đạt 100 tấn/năm đã mang về cho gia đình anh Phi khoản lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, anh Phi còn sản xuất cá giống (mỗi năm từ 5 đến 10 vạn con), phục vụ nguồn giống cho gia đình và bà con trong vùng. Cùng với nuôi cá, sản xuất cá giống, anh Phi còn làm dịch vụ cung cấp thức ăn công nghiệp cho cá lóc; mua sắm 2 xe tải lớn để thu mua, vận chuyển cá lóc thịt đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Trung. Mỗi năm, doanh thu từ mô hình đạt hơn 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 2,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 4 thành viên trong gia đình và 5 lao động thường xuyên với mức lương bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, ông Lê Quang Mịnh (61 tuổi, trú xã Ngư Thủy) nuôi cá lóc từ 15 năm nay. Hiện ông có 7 ao cá với tổng diện tích 1.600 m2, gồm 3 hồ cát rộng 400 m2 mỗi hồ, 4 hồ trải bạt rộng 50 m2 mỗi hồ. Mỗi năm, ông Mịnh chỉ thả một vụ cá, những tháng mùa đông không thả do thời tiết khắc nghiệt, hay mưa bão, nhiệt độ xuống thấp nuôi không hiệu quả.
Hai tuần trước, ông Mịnh thả 60.000 con giống để nuôi vụ mới. Sau 15 năm nuôi cá lóc, ông Mịnh đúc rút kinh nghiệm: Giai đoạn mới thả giống chú ý nguồn nước, bổ sung vitamin, men… 3 tháng đầu tiên dễ bị bệnɦ nhất, sau đó cá lớn sức đề kháng tốt hơn. “Chi phí ban đầu của hồ cá rộng 400 m2 khoảng 30 triệu đồng, không quá tốn kém, chỉ tốn thức ăn trong vụ 300-350 triệu”, ông nói.
Ông Mịnh tính toán giá cá trung bình 45.000 đồng/kg là người nuôi có lãi. Nhà ông vừa cho cá ăn bột, vừa cho ăn tôm cá tận dụng từ nguồn hải sản đánh bắt ven bờ nên chất lượng cá cao hơn, lớn nhanh hơn. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 30 tấn cá, lợi nhuận 300 triệu đồng. Nhờ hồ cá lóc, gia đình ông dần trở nên khá giả, xây được nhà tầng khang trang.
Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc là hai xã bãi ngang, người dân đánh bắt thủy sản ven bờ, thu nhập thấp, bấp bênh do phụ thuộc thời tiết. Từ năm 2010, sau vài hộ nuôi có hiệu quả, xã Ngư Thủy Bắc đã nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã có gần 200 gia đình đào hồ nuôi cá lóc. Trong đó có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi 5-6 hồ với diện tích 100-300 m2 mỗi hồ.
Đào ao nuôi cá lóc là thành công lớn của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ. Nghề này cũng tận dụng được diện tích cát trắng vốn lâu nay bỏ hoang. Sản lượng cá lóc thương phẩm hàng năm của Ngư Thủy Bắc khoảng 2.500 tấn, mang về cho xã nguồn thu 250 tỷ đồng.