Riềng là loại cây thường được đào lấy củ làm gia vị. Người dân xã Bàn Thạch tận dụng thân cây riềng còn non để tách vỏ, lấy phần ngó non để ăn sống cùng món mắm kho hoặc xào, luộc.
Vài năm trở lại đây, một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn lấy ngó riềng bán ở chợ như một loại rau đồng.
Năm 2019, được sự động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch, một số hộ dân tận dụng đất trống quanh nhà, sau vườn để trồng riềng lấy ngó mưu sinh.
Không ruộng đất canh tác, bà Thị Phiên, ngụ ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch tận dụng khoảnh đất trống cạnh nhà để trồng riềng lấy ngó.
Bà Phiên nói: “Năm nay tôi 72 tuổi, không còn đi làm thuê như trước được nữa. Ngày nào khỏe tôi nhổ riềng rồi lặt đem ra chợ bán, còn không khỏe thì nghỉ.
Có hôm khách đặt tổ chức đám tiệc số lượng lớn, tôi phải huy động bà con hàng xóm làm tiếp”.
Bà Thị Phiên (bìa phải), nông dân ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) sơ chế ngó riềng trước khi giao cho khách hàng. Ngó riềng chính là phần lõi non của thân cây riềng.
Cây riềng chỉ cần chiết củ, sau đó cắm vào đất là cây có thể phát triển. Mùa mưa là thời điểm tốt nhất để riềng phát triển, thu hoạch ngó riềng lúc này sẽ non và giòn, ngọt hơn mùa nắng hạn.
Đặc biệt, riềng ít bị sâu bệnh, không cần sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cây vẫn cho năng suất cao và chất lượng ngó thơm ngon.
Riềng trồng khoảng 7-8 tháng sẽ được lựa chọn cây nào có 2-3 lá nhổ lấy ngó. Thông thường để bán ngó phải lột tách phần vỏ thân cây bên ngoài. Đây là việc mất nhiều thời gian, phải thật khéo léo để ngó không gãy. Người làm thành thục có thể lột được 5-6kg ngó/ngày.
Với giá bán lẻ 120.000-140.000 đồng/kg, mỗi đợt bán ngó riềng, bà Thị Phiên thu trên 1 triệu đồng. Cứ cách 5-10 ngày, bà Phiên thu hoạch riềng một lần, thu nhập đủ chi phí sinh hoạt, mua nhu yếu phẩm.
Ngó riềng có thể chế biến được nhiều món ăn như luộc, xào, nấu canh, nhưng ngon nhất vẫn là xào với tép đồng hoặc thịt chim, cò, gà, vịt. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch, hiện toàn xã có 20 hộ dân trồng riềng lấy ngó, tổng diện tích 5.000m2.
Chị Thị Thu Sương, ngụ ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch nói: “Riềng dễ trồng, không cần vốn đầu tư, chăm sóc cũng có đồng ra đồng vô hàng ngày. Khách đặt tới đâu, tôi nhổ, lặt rồi bán tới đó”.
Không tốn công chăm sóc, không nhiều vốn đầu tư nên trồng riềng lấy ngó phù hợp với những hộ không có hoặc ít đất sản xuất ở xã Bàn Thạch.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch hỗ trợ người dân giới thiệu sản phẩm tại các dịp hội nghị, lễ kỷ niệm do huyện tổ chức.
Đồng chí Thị Mỹ Diên Hạnh – Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Từ chỗ chỉ dùng trong bữa ăn gia đình, hiện ngó riềng được một số quán ăn, nhà hàng trong và ngoài huyện sử dụng. Hội hỗ trợ bà con khâu đóng gói, hút chân không ngó riềng thành phẩm để khách tiện mua dùng và làm quà tặng”.
Theo đồng chí Thị Mỹ Diên Hạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch đang phối hợp Ủy ban nhân dân xã vận động người dân tận dụng đất trống quanh nhà, vườn tạp để trồng riềng lấy ngó tăng thu nhập.
Xã chọn ngó riềng để đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP nhằm khai thác tiềm năng và có hướng đầu tư hiệu quả hơn.