Mô tưới nước tự chảy cho vườn cây ăn trái, vườn sầu riêng ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã giúp sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm công lao động để nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.
Giữa tháng 4/2024, Ninh Thuận đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng nhiều nơi… nhưng hàng trăm ha cây ăn trái ở xã Phước Bình (huyện Bác Ái) vẫn phủ một màu xanh bạt ngàn.
Đào ao trên núi dẫn nước tưới sầu riêng
Tại các thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2 ở xã vùng cao Phước Bình phần lớn diện tích cây ăn trái của người dân là đồi núi nên không có hệ thống thủy lợi.
Thế nhưng, những bất lợi về địa hình được người dân “hóa” thành lợi thế để lắp đặt hệ thống nước tự chảy ứng dụng tưới tiết kiệm giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt giữa nắng hạn.
Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn sầu riêng của gia đình, nông dân Trịnh Quốc Tuấn ở thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) phấn khởi cho biết, dù đang giữa mùa khô nhưng 4ha cây ăn quả của gia đình vẫn đang phát triển xanh tốt. Thời điểm này, hằng trăm cây sầu riêng đang ra hoa và kết trái trĩu cành.
Nông dân này cho hay, do địa hình canh tác chủ yếu là đồi núi nên trước đây việc tìm kiếm nguồn nước tưới cây trồng gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí.
Theo anh Tuấn, dù gần nguồn nước từ sông cái nhưng phần lớn đất sản xuất của gia đình lại ở trên đồi, cao hơn nhiều so với nguồn nước nên việc cấp nước tưới cây không hề đơn giản.
Để giữ được màu xanh cho cây trồng, nông dân này tận dụng nguồn nước từ khe suối có sẵn trên núi cao để đào ao tích nước và lắp đặt hệ thống nước tự chảy gần 200 triệu đồng. Để tiết kiệm nguồn nước, anh Tuấn cũng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa để tưới cho cây trồng.
“Đây là số tiền không nhỏ nhưng đặt trong điều kiện canh tác khắc nghiệt như hiện nay thì vẫn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho nhà nông…”, anh Tuấn nói.
“Ưu điểm lớn nhất của hệ thống nước tự chảy là nước chảy từ trên cao xuôi về theo đường ống nhỏ dần nên hoàn toàn tự động.
Nông dân chỉ cần mở van là nước tưới đến từng góc cây. Ngoài ra, việc ứng dụng tưới phun mưa cũng mang lại hiệu quả sử dụng tối đa nguồn nước, giữ độ ẩm giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển bất kể nắng hạn.…”, anh Tuấn nói.
Hiện toàn vườn cây ăn trái hơn 4ha của gia đình nông dân này đều ứng dụng hệ thống tưới phun mưa tự chảy.
Trong đó, có hơn 3,5ha cây sầu riêng 3 – 6 năm tuổi sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra có gần 1ha các loại cây ăn trái khác như mít, bơ, chôm chôm… dự kiến cho năng suất cao vào vụ thu hoạch tháng 8 tới.
Nhân rộng tưới tiết kiệm cho đồng bào Raglai
Cách đó không xa, vườn bưởi da xanh hơn 1ha ven sườn núi của nông dân Po Po Bi dân tộc Raglai ở thôn Bạc Rây 1 xã Phước Bình cũng xanh mát giữa mùa khô.
Nông dân này cho hay, hiện nay mô hình tưới tiết kiệm bằng béc phun mưa không còn khá xa lạ với người dân vùng cao Phước Bình.
Theo ông Bi, trước đây người dân chủ yếu bơm nước để tưới tràn cho từng góc cây nên tốn rất nhiều chi phí, nguồn nước tưới cũng thiếu trước hụt sau.
Năm 2020, được sự hỗ trợ từ nhà nước và nguồn vốn tự có hơn 30 triệu đồng, ông Bi lắp đặt hệ thống tưới phun mưa để tưới cho 1ha cây bưởi da xanh.
Với mô hình này, hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cây từ 50 – 60 cm, mỗi gốc được gắn một béc phun mưa. Vào mùa khô, hệ thống tưới được ông Bi bật lên 3 lần mỗi tuần, mỗi lần tưới 2 giờ vào buổi sáng hoặc chiều để tưới cho cây bưởi.
“Tưới nước tiết kiệm giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe hơn. Chỉ cần mở máy là hệ thống tự hoạt động nên tiết kiệm 50% lượng nước, công lao động cũng nhàn hơn rỗi hơn so với trước đây…”, ông Bi cho hay.
Sau hơn 3 năm áp dụng tưới nước tiết kiệm bằng bét phun mưa, hơn 1ha bưởi da xanh của gia đình ông Bi đang phát triển xanh tốt và cho những lứa quả đầu tiên.
“Nếu bảo quản tốt, hệ thống thiết bị phun mưa có thể sử dụng từ 5 – 7 năm mà không cần đầu tư lại, từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân…”, ông Bi cho hay.
Thấy được hiệu quả từ hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhiều hộ dân Raglai xã vùng cao Phước Bình cũng mạnh dạn đầu tư để tưới cho cây trồng.
Đến nay, toàn xã Phước Bình có gần 110ha cây ăn trái của 58 hộ ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả cao.
Ông Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, huyện Bác Ái, (Ninh Thuận) cho biết, nhiều năm trước người dân địa phương chủ yếu sản xuất manh mún, lạc hậu nên việc đầu tư kỹ thuật tưới hiện đại đã tạo chuyển biến lớn về nhận thức, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích ở Phước Bình, đặc biệt trong mùa nắng hạn.
“Để nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền và rà soát các hộ có nhu cầu để hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới tiên tiến cho nông dân. Từng bước giúp nông dân phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vừng…”, ông Châu thông tin.