Ở một nơi của Hà Giang, dân trồng bí xanh, trồng su su kiểu gì mà thả trái đếm vội chả xuể, thu nhập tăng

Với nhiều cách làm sáng tạo, tư duy đổi mới trong liên kết sản xuất, nhiều hộ dân ở thị trấn Việt Lâm (huyện Việt Lâm, tỉnh Hà Giang) đã thành công với nghề trồng rau trên giàn lưới, mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể là mô hình trồng bí xanh, trồng su su cho leo giàn lưới…

Với nhiều cách làm sáng tạo, tư duy đổi mới trong liên kết sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Việt Lâm đã quyết tâm tiên phong trong phát triển bền vững nghề trồng rau trên giàn lưới và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Với cách làm này, đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Bí xanh, su su, mướplà loại cây dễ trồng, năng suất cao, bảo quản được lâu…giá trị kinh tế lại cao, đầu ra dễ tiêu thụ.

Đây là loại cây leo giàn có giá trị ngắn ngày, tính từ khi bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chỉ có 90 ngày và cho thu hoạch từ 5 đến 6 lứa trên 1 năm với giá bán từ 5.000 đến 17.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.

Hiện nay, bà con nhân dân đang thu hoạch su su, sau khi thu hoạch su su xong bà con xuống giống mướp, bí xanh thường xuyên thay đổi theo phương thức mùa nào rau ấy.

Để đảm bảo cho các loại cây leo giàn phát triển tốt, thay vì dựng giàn leo bằng tre truyền thống, người dân đã đổ cột bê tông, buộc dây cước để tạo giàn.

Ở một nơi của Hà Giang, dân trồng bí xanh, trồng su su kiểu gì mà thả trái đếm vội chả xuể, thu nhập tăng- Ảnh 1.

Bà con nông dân thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thu hoạch quả su su tại mô hình trồng su su cho leo giàn lưới.

Trước đây làm giàn tre tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu nhưng không dùng được lâu dài, chỉ khoảng 1-2 năm sẽ hư hỏng, còn cột bê tông kết hợp dây cước sử dụng được khoảng 10 năm.

Anh Lù Văn Thanh – tổ 11, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích su su phát triển tốt…

Trồng su su cho leo trên giàn lưới tôi thấy thuận tiện nhất khâu chăm sóc và thu hái tiện hơn, cũng cách ly sâu bệnh hại cây, quả ra đều đẹp và chất lượng tốt nhờ đó mà gia đình tôi có điều kiện kinh tế hơn.

Với sự nhạy bén và tinh thần học hỏi, vươn lên phát triển kinh tế từ vườn, đến nay Thị trấn Việt Lâm đã có gần 38 hộ tham gia với trên 13ha giàn lưới. Diện tích giàn lưới chủ yếu tập trung tại tổ 7, tổ 10 và tổ 11.

Từ hình thức sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, tháng 4/2021, thị trấn Việt Lâm đã thành lập Tổ hợp tác rau an toàn với 10 hộ tham gia, đến nay tăng lên 14 hộ.

Cùng nhau vào Tổ hợp tác để liên kết xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Đây là một hướng đi được xác định nhằm hướng đến một nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Ở một nơi của Hà Giang, dân trồng bí xanh, trồng su su kiểu gì mà thả trái đếm vội chả xuể, thu nhập tăng- Ảnh 2.

Bí xanh trồng trên giàn lưới cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

 

Nhờ đó, trung bình mỗi ha rau quả trồng trên giàn lưới cho thu từ 230 triệu đồng. Qua đó, tuỳ theo diện tích, mỗi hộ bình quân thu nhập từ 160-200 triệu đồng/năm, có hộ thu trên 300 triệu đồng/năm.

Phát triển mô hình trồng rau trên giàn lưới nhằm nhuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân của thị trấn đã có những thành công bước đầu.

Tuy nhiên, đa phần sản phẩm của người trồng rau nơi đây đến với bữa cơm của người tiêu dùng vẫn chủ yếu qua chợ địa phương hoặc qua các mối khách hàng gia đình quen biết. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là giá cả sản phẩm luôn bấp bênh và đầu ra không ổn định.

Hiểu được điều đó, UBND thị trấn Việt Lâm thường xuyên mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người dân trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, không nên ồ ạt trồng một loại cây, tránh để xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu.

“Trong quá trình sản xuất, ngành chức năng hướng dẫn bà con luôn chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ các khâu làm đất, sử dụng phân bón, tuân thủ quy trình VietGAP tạo thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường cho rau màu thị trấn…”, ông Phạm Văn Thùy – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) khẳng định.