Ở một huyện của Vĩnh Long, nông dân đang khá giả lên nhờ cây trồng mới, vật nuôi mới, có nuôi cá chạch ở ruộng

Mô hình nuôi cá chạch đồng xen canh trong ruộng lúa tại xã Nhơn Bình và xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) với 5 hộ tham gia. Trong đó, mỗi hộ nuôi cá chạch trên ruộng lúa rộng 1 công, được hỗ trợ 50% chi phí mua 50kg cá chạch giống và 50% chi phí thức ăn

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế khá cao và mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nhiều năm qua, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn đã triển khai thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp mới ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp điều kiện sinh thái tại địa phương và đặc biệt là theo nhu cầu của thị trường.

Các mô hình sản xuất hiệu quả được ngành chức năng khuyến khích duy trì, nhân rộng, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống.

Điển hình như mô hình trồng khóm được xây dựng tại xã Hòa Bình với diện tích ban đầu 46,37ha đến nay đã mở rộng lên hơn 100ha. Mô hình trồng khóm năng suất bình quân ước đạt 40-50 tấn/ha, lợi nhuận 80-100 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa.

Bên cạnh đó, tại xã Tích Thiện- một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên lúa.

Trong đó, mô hình trồng ổi trên đất lúa là mô hình nổi bật và mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm giá ổi cao lợi nhuận bình quân 120-150 triệu đồng/ha; thời điểm giá thấp lợi nhuận 50-60 triệu đồng. Mô hình trồng ổi trên đất lúa có khả năng mở rộng lên 550-600ha trong thời gian tới.

Song song đó, đối với những hộ dân có ít đất canh tác, mô hình nuôi lươn thâm canh là một sự lựa chọn phù hợp. Chỉ cần tối thiểu diện tích 10m² có thể nuôi 2.500 con.

Sau thời gian từ 10-11 tháng, năng suất đạt từ 400-450 kg/mô hình, trừ hết chi phí người nuôi còn lời từ 10-12 triệu đồng. Mô hình này được nhân rộng ở nhiều xã như Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân.

Tương tự, mô hình nuôi ếch và cá rô phi đỏ cũng được nhiều nông dân tại các xã Trà Côn, Tân Mỹ, Hòa Bình, Vĩnh Xuân, Thuận Thới tham gia. Bởi mô hình này có nhiều ưu điểm như thời gian nuôi ngắn, có thể tận dụng diện tích ao, mương vườn có sẵn.

Đối với những hộ có điều kiện sản xuất lớn, có thể ứng dụng quy trình kỹ thuật của mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp cá rô phi đỏ với quy mô lớn.

Nếu người nuôi biết sắp xếp vụ nuôi hợp lý, rơi vào thời điểm thu hoạch có giá cao thì hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Cụ thể, với quy mô 2.500 con ếch giống, 2.000 con cá rô phi đỏ giống/hộ có thể cho lợi nhuận bình quân 4-5 triệu đồng/mô hình.

Trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) cũng đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện triển khai thí điểm nuôi cá chạch đồng xen canh trong ruộng lúa tại xã Nhơn Bình và xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) với 5 hộ tham gia.

Trong đó, mỗi hộ nuôi cá chạch trên ruộng lúa rộng 1 công, được hỗ trợ 50% chi phí mua 50kg cá chạch giống và 50% chi phí thức ăn.

Ở một huyện của Vĩnh Long, nông dân đang khá giả lên nhờ cây trồng mới, vật nuôi mới, có nuôi cá chạch ở ruộng- Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá chạch trong ruộng lúa ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có vốn đầu tư ít, chi phí thấp, cá chạch nhanh lớn, giúp nông dân tăng lợi nhuận.

Tham gia mô hình thả 20.000 con cá chạch trên ruộng, chị Nguyễn Thị Hát (xã Xuân Hiệp) cho biết: “Nuôi cá chạch trong ruộng lúa ít vốn đầu tư, chi phí thức ăn thấp, lúa có thể hấp thụ vật bài tiết của cá, tốt cho sinh trưởng. Hiện cá đang phát triển tốt, có thể thu hoạch nhưng tôi tiếp tục nuôi để cá sinh sản và nhân giống cho các đợt nuôi tiếp theo”.

Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút nhiều hộ tham gia như: mô hình trồng củ sắn chuyên canh trên đất màu tập trung tại các ấp Mỹ Thạnh, Long Hưng và Kinh Ngây (xã Lục Sĩ Thành) cho lợi nhuận bình quân 180-200 triệu đồng/ha (cao gấp 4 lần so với trồng lúa và gấp 2 lần so với trồng các loại rau màu khác)…

Hay như mô hình trồng rau nhút- một trong những mô hình tiêu biểu trong việc đưa rau màu xuống ruộng tại xã Xuân Hiệp với lợi nhuận bình quân từ 60-100 triệu đồng/ha/năm; mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa nhằm tiết kiệm chi phí, cho lợi nhuận bình quân cao hơn so với canh tác theo truyền thống khoảng 5 triệu đồng/ha.

Ông Hồ Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian qua, địa phương chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, thời gian qua, nông dân đã chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

Các mô hình được triển khai bảo đảm phù hợp với từng vùng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Ngành nông nghiệp huyện Trà Ôn cũng đã tăng cường phối hợp, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm; tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần hình thành các mô hình kinh tế mới, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.