Lãi lớn nhờ trồng lúa
Những năm gần đây, việc gieo sạ lúa Đông Xuân tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr và Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) luôn được thực hiện sớm hơn so với các vùng, khu vực khác trong tỉnh nhằm tránh hạn cuối vụ.
Đây là kết quả từ quá trình tuyên truyền, vận động của đơn vị cung cấp nước tưới, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương để giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, canh tác lúa phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn nước tưới.
Tại cánh đồng lúa nước 2 vụ của thôn Phố Hiến (xã Ia Lâu) rộng hơn 30 ha, bà con nông dân vừa thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024.
Ông Nguyễn Văn Ánh (thôn Phố Hiến) phấn khởi cho biết: Từ khi hồ chứa nước Plei Pai được Nhà nước đầu tư xây dựng, hệ thống kênh chính và kênh mương nội đồng hoàn thiện dẫn nước đến từng chân ruộng giúp nông dân sản xuất ổn định 2 vụ lúa/năm.
Riêng gia đình ông sản xuất 5 ha lúa 2 vụ, được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Nhờ đó, mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình còn lợi nhuận 250-270 triệu đồng.
“Vụ Đông Xuân này, gia đình tôi thu được 36 tấn lúa khô. Nhờ giá lúa khô tăng cao, đạt 9-10 ngàn đồng, gia đình tôi bán được 275 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi 135 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình mấy năm nay khấm khá. Chỉ cần giá lúa tiếp tục duy trì như vụ Đông Xuân này thì người nông dân ở đây sẽ “sống khỏe”-ông Ánh nói.
Theo ông Lê Thành Công-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu: Những năm gần đây, người dân chủ động sản xuất vụ Đông Xuân sớm hơn 1 tháng so với lịch thời vụ chung của ngành nông nghiệp tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa ngắn và trung ngày như HT1, ĐV108, Ma Lâm 48, Đài Thơm cùng một số giống lúa chất lượng cao khác.
Xã cũng chủ động phối hợp cùng Chi nhánh Thủy lợi Chư Prông (thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai) điều tiết nước tưới hợp lý, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm. Đến thời điểm này, diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 của xã đã thu hoạch xong. Năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, không có diện tích lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới.
Còn tại xã Ia Mơr, đến nay, nông dân đang thu hoạch xong 173 ha lúa nước vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Năng suất lúa đạt cao là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất lúa nước 2 vụ. Đặc biệt, giá lúa hiện nay tăng cao giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định.
Tập trung khai thác tiềm năng từ cây lúa
Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Ia Lâu”. Đây là động lực để huyện hình thành vùng chuyên lúa nước, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo của địa phương.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện xuống giống được hơn 2.052 ha lúa nước, tập trung tại các xã Ia Lâu (550 ha), Ia Piơr (600 ha), Ia Mơr (175 ha)…
Cơ quan chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao như OM 4900, N25, HT1, DV108, Đài Thơm. Với giá thu mua hiện tại, bình quân mỗi héc ta lúa cho lợi nhuận hơn 37 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngàn (thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu) chia sẻ: Bình quân mỗi năm, bà thu mua 200-300 tấn lúa khô cung cấp cho các cơ sở xay xát gạo tại tỉnh Bình Định và Đắk Lắk.
Đặc biệt, giá lúa trong vụ Đông Xuân năm nay tăng cao hơn năm ngoái 1.000-1.500 đồng/kg đã giúp bà con nông dân có lợi nhuận khá. Không những vậy, gạo Ia Lâu ngon được người tiêu dùng một số tỉnh đánh giá cao.
Đây là động lực để người trồng lúa tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr có thể mở rộng diện tích cây lúa nước trong những vụ tới.
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: “Huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sản xuất lúa nước vụ mùa 2024, sử dụng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao và đảm bảo gieo trồng theo lịch thời vụ để tránh bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, khai thác nguồn nước tưới ổn định từ các công trình thủy lợi, hồ chứa lớn để trồng lúa; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như IPM, ICM; sử dụng giống lúa xác nhận để giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.