Mô hình nuôi cá hô quý hiếm do 4 hộ có kinh nghiệm nuôi cá lồng ở làng chài triển khai thí điểm, đó là các hộ Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Thành Nhân và Đặng Văn Thuộc.
Mô hình được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1, thả cá hô giống vào tháng 6/2022, số lượng 960 con, trọng lượng từ 28-35g/con; đợt 2, thả cá hô giống tháng 10/2022, số lượng 1.440 con, trọng lượng từ 28 – 34 g/con.
Là 1 trong 4 hộ tham gia mô hình nuôi cá hô quý hiếm, ông Nguyễn Văn Triều cho biết: Tôi được cấp 500 con cá hô giống. Sau 18 tháng nuôi còn sống khoảng 430 con, do cá hô giống vận chuyển quá xa nên nhiều con bị trầy xước và chết. Khi thích nghi thì với nước hồ Sê San thì cá hô sống rất tốt, không bệnh tật.
Nguồn thức ăn của cá hô là cám công nghiệp, lượng ăn ít, chỉ bằng 60% so với cá lăng, cá lóc.
Hiện tôi có khoảng 400 con cá hô, trọng lượng trung bình 1,7kg/con, có con trên 3kg. Sở KH&CN tỉnh Kon Tum và Trường Đại học Cần Thơ muốn tạo con cá hô giống tại chỗ thì tôi sẵn sàng chia sẻ con giống- ông Triều nói.
Ông Nguyễn Văn Triều, nông dân xã xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) kiểm tra cá hô quý hiếm nuôi trong lồng bè. Ảnh: D.N
Ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ, nuôi cá hô cần làm lồng rộng rãi, ở mức nước sâu chừng 5m. Ngày cho cá ăn 2 buổi (sáng và tối). Tập cho cá hô ăn đúng giờ sẽ mau lớn hơn.
Giống cá hô này nuôi dễ, mau lớn. Tôi nuôi hơn năm, trọng lượng tăng từ 28-38g/con lên 1,5-1,7kg/con, giá bán khoảng 200 ngàn đồng/kg, vậy là có lợi nhuận. Nên tôi tính nuôi tiếp- ông Nhân đánh giá.
Mỗi đợt đều có 2 giai đoạn là nuôi dưỡng cá hô giống nhỏ trong lồng gỗ lên cá giống lớn trong 6 tháng, rồi chuyển sang lồng nhựa HDPE nuôi cá thương phẩm (14 tháng đối với đợt 1 và 10 tháng đối với đợt 2).
Theo các hộ thực hiện mô hình, chi phí đầu tư nuôi cá hô đợt 1 từ 55,8 – 79,9 triệu đồng/lồng; đợt 2 từ 30,2 – 35 triệu đồng/lồng. Giá bán tại hồ vào cuối tháng 1/2024 từ 140.000 đồng/kg đến 170.000 đồng/kg, nếu phục vụ khách du lịch tại nhà bè thì giá có thể lên tới 200.000 đồng/kg.
Ước tính thu nhập của mô hình nuôi cá hô từ 107,4-166,1 triệu đồng/lồng nuôi đợt 1 và 35-46,5 triệu đồng/lồng nuôi đợt 2.
Lợi nhuận của mô hình nuôi cá hô từ 51,6 – 86,2 triệu đồng/lồng nuôi đợt 1 và từ 4,8-11,5 triệu đồng/lồng nuôi đợt 2 (do tỷ lệ sống của cá nuôi giai đoạn nuôi dưỡng thấp, thời gian nuôi thương phẩm ngắn hơn 4 tháng, giá bán thương phẩm thấp do cá nhỏ).
Các hộ tiếp tục nuôi để cá hô đạt kích cỡ lớn hơn, bán cá đặc sản này được giá cao hơn.
Theo đánh giá, cùng môi trường sống và thời gian, lợi nhuận từ nuôi cá hô cao hơn so với nuôi cá diêu hồng, cá thát lát và cá lăng. Trở ngại lớn của mô hình là nguồn cá hô giống phải mua từ các tỉnh miền Tây nên thời gian vận chuyển rất dài (18-20 giờ) ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và chi phí vận chuyển cao.
Ngoài ra, khi làng chài đón nhiều đoàn khách du lịch, tiếng tàu máy gần các lồng nuôi cá hô làm cá hoảng sợ, bỏ ăn hoặc ăn yếu, nên cá tăng trưởng chậm.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, mùa vụ nuôi, thả cá hô giống vào tháng 4 hoặc tháng 6 là tốt nhất, do thời điểm này môi trường nước tốt, cá hô nhanh thích nghi.
Tránh thả cá đầu mùa mưa (tháng 5) hay vào những tháng có nhiều mưa, bão (tháng 8 đến tháng 11) hoặc mùa đông nhiệt độ thấp (tháng 12 – tháng 2) cá sẽ chậm thích nghi, tỷ lệ hao hụt cao.
Đặc biệt, mua cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở có uy tín, có kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, cá giống và quá trình sản xuất giống. Chọn cá hô giống có kích cỡ lớn, khối lượng từ 40 – 60 g/con trở lên để cá nhanh thích nghi với môi trường nuôi mới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thanh – Trường Đại học Cần Thơ, thư ký đề tài, qua 2 năm triển khai mô hình cho thấy tính thích nghi của cá hô rất tốt, tăng trưởng nhanh khi nuôi trong lòng hồ thuỷ điện Sê San 4.
Qua 20 tháng nuôi, trọng lượng cá hô dao động từ 2,2-3,2 kg/con. 4 hộ tham gia mô hình đều có lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận đạt tới 108%, thấp nhất khoảng 40%.
Kết thúc đề tài, chúng tôi cũng đã có khuyến cáo nhân rộng mô hình bắt đầu từ các hộ trên lòng hồ này- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thanh cho biết.
Thành công bước đầu của mô hình mở ra hướng đi mới cho người dân làng chài nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản ở Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) nói chung.
Tuy nhiên, cũng đặt ra cho ngành chức năng một số vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ. Đó là nghiên cứu sản xuất giống tại địa phương để chủ động nguồn giống; nghiên cứu giảm thiểu tác động từ hoạt động du lịch đến sinh trưởng của cá hô khi phát triển du lịch tại làng chài.