Nông dân giỏi với mô hình nuôi lươn không bùn, vịt xiêm
Anh Vũ Văn Dưỡng ngụ ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích sản xuất hơn 6.000m2, trong đó có gần 2.000m2 là đất trũng thấp, ngập nước.
Nhiều năm qua anh Dưỡng đã trồng nhiều loại rau thơm ăn lá và nuôi heo, bò, gà nhưng thu nhập không khá. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phần lớn nhờ vào thu nhập của vợ anh là tiểu thương buôn bán cá nước ngọt và vịt đồng ngoài chợ.
Năm 2021 khi đại dịch Covid– 19 bùng phát, các chợ dừng hoạt động để phòng chống dịch, gia đình anh gặp khó khăn do không có thu nhập từ buôn bán.
Khi dịch bệnh đã ổn định, Hội Nông dân xã đã đến khảo sát và tư vấn cho anh Dưỡng cải tạo vùng đất trũng thấp thành ao nuôi cá nước ngọt; cải tạo chuồng heo cũ thành bể nuôi lươn không bùn; thay đổi nuôi gà bằng nuôi vịt xiêm lai Pháp.
Anh Vũ Văn Dưỡng cho biết, anh đã đào 1.800m2 đất trũng thành ao nuôi cá và thả nuôi các loại cá như: rô phi đơn tính, cá trắm, cá chép và cá trê vàng để tận dụng thức ăn thừa và chất thải của các loại cá kia. Anh nuôi gối lứa nên quanh năm đều có cá để thu hoạch.
Với các chuồng heo cũ, anh đã cải tạo thành 6 bể nuôi lươn rộng 8m2. Mỗi bể anh thả nuôi 3.500 con lươn giống, sau 12 tháng nuôi thì cho thu hoạch khoản 500kg lươn thịt/bể.
Anh Dưỡng còn thay đổi nuôi giống gà thả vườn bằng nuôi vịt xiêm lai Pháp. Mỗi lứa vịt, anh thả nuôi 200 con, sau 120 ngày nuôi là xuất bán thịt, mỗi con nặng 2,5kg. Một năm anh Dưỡng nuôi được 3 lứa vịt xiêm thịt.
Anh Dưỡng nói: “Tất cả vật nuôi tôi đều nuôi theo hình thức gối đầu nên thường xuyên thu hoạch để bán. Cá nước ngọt ngày nào tôi cũng thu hoạch 10 kg, nhờ vợ tôi bán trực tiếp cho người tiêu dùng nên giá được từ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Mỗi năm tôi thu được 3 tấn cá, tổng doanh thu từ cá trung bình 200 triệu đồng/năm.
Vịt xiêm khi đến lứa tôi bán cho thương lái 100 con (250kg) với giá 170.000 đồng/con, còn 100 con thì bán lẻ ngoài chợ với giá 190.000 đồng/con, doanh thu từ vịt xiêm trung bình 100 triệu đồng/năm.
Đối với 6 bể nuôi lươn mỗi năm tôi thu hoạch được 3 tấn lươn thịt với giá bán hiện tại là 80.000 đồng/kg, doanh thu đạt 240 triệu đồng (so với năm 2022 thì giá lươn thịt thấp hơn 30.000 đồng/kg).
Tổng thu nhập từ mô hình nuôi cá, nuôi vịt xiêm lai, nuôi lươn không bùn của gia đình tôi có khoảng 540 triệu đồng. Do tôi tận dụng tối đa phụ phẩm làm thức ăn trong chăn nuôi nên giảm một phần lớn chi phí thức ăn.
Sau khi trừ vốn đầu tư ban đầu gia đình tôi còn lợi nhuận từ nông nghiệp hơn 200 triệu đồng/năm. Nếu giá lươn thịt như năm 2022 thì sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều. Nhờ Hội Nông dân xã giúp đỡ, thu nhập của gia đình tôi tăng thêm và ổn định hơn”.
Trồng rau muống, nuôi gà đẻ Ai Cập thu nhập 200 triệu đồng/năm
Đã trồng nhiều loại rau màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cuối năm 2021, gia đình anh Hoàng Văn Tuyến – nông dân ấp Phước Tân 3 chuyển sang trồng rau muống ăn lá.
Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Hoàng Văn Tuyến đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, nhờ đó, rau muống phát triển tốt, cho năng suất cao.
Anh Hoàng Văn Tuyến cho biết: Rau muống là cây ngắn ngày, dễ trồng và cho thu hoạch quanh năm. Thường thì từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 20 – 25 ngày, rau cũng ít sâu bệnh nên việc chăm sóc cũng tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên để rau phát triển tốt, cho năng suất hiệu quả thì nông dân trồng rau phải đầu tư phân hữu cơ và thường xuyên theo dõi sâu bệnh nhất là sâu cuốn lá và bọ trĩ.
Gia đình anh Tuyến trồng 3.000m2 và thu hoạch theo hình thức xoay vòng, hễ cắt hết đám này thì đám rau được cắt đầu tiên đã kịp lớn, cứ như vậy rau muống bán quanh năm. Gốc rau muống sau khi cắt ngọn sẽ tiếp tục cho ra chồi non, người trồng không phải tốn chi phí trồng mới.
Trung bình mỗi ngày, gia đình anh Tuyến thu hoạch được 200 bó rau muống, với giá bán 6.000 đồng/bó, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tuyến thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng. Anh Tuyến chủ yếu bán rau muống cho thương lái tại các chợ trên địa bàn TP.Bà Rịa và bán lẻ cho bà con tại địa phương.
Anh Hoàng Văn Tuyến nói: “Ngoài việc giúp đỡ tôi chuyển sang trồng rau muống, Hội Nông dân xã còn giúp tôi vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hàng năm, Hội Nông dân xã đều tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rau.
Được Hội Nông dân xã khuyến khích, tôi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và ưu tiên dùng thuốc sinh học, đảm bảo cách ly khi thu hoạch đúng với quy định. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi từ trồng rau muống hơn 200 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Xuân Loãn ở ấp Phước Tân 1 làm nghề chăn nuôi heo từ nhiều năm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, heo bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2019, anh Loãn quyết định chuyển đổi mô hình sang nuôi gà Ai Cập lấy trứng.
Anh Loãn cho biết: Với đặc tính là giống gà đẻ dày, dễ chăm sóc, một gà mái có thể đẻ từ 250-270 trứng/năm. Đặc biệt, gà có sức đề kháng cao nên ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc. Gà từ lúc mua giống về đến khoảng 5 tháng sau bắt đầu đẻ trứng, tháng thứ 6 gà sẽ đẻ liên tục, đến 1 năm sau sẽ thay lứa mới.
Anh Loãn nói: “Đối với loại gà Ai Cập này, không những siêu đẻ trứng, mà kích thước trứng cũng to hơn gà bình thường, nhiều lòng đỏ, có mùi vị thơm, ngon, béo nên rất được khách hàng yêu thích. Hiện toàn bộ trứng gà được tiểu thương các chợ tại TP Bà Rịa thu mua.
Hiện trại gà của tôi đang có khoảng 500 con, mỗi ngày đàn gà đẻ hơn 400 quả, với giá bán trung bình 3.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí tôi còn lợi nhuận 500.000 đồng/ngày. Tính trung bình một năm, gia đình tôi có lợi nhuận gần 200 triệu đồng”.
Hội Nông dân đồng hành, hỗ trợ hội viên thiết thực
Để giúp nông dân kịp thời nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Hội Nông dân xã Tân Hưng luôn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Hội Nông dân tích cực vận động hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả.
Hội Nông dân xã đã tổ chức 2 buổi hội thảo đầu bờ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tư vấn chọn giống cây trồng, vật nuôi cho 50 hội viên, nông dân.
Hội phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp và kỹ năng ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý nguồn phế phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu phục vụ nông nghiệp tuần hoàn cho 200 hội viên, nông dân.
Hội Nông dân xã cũng tổ chức cho 15 hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Nhằm hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội Nông dân xã đã xây dựng 4 dự án vay Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 33 hộ vay với tổng số tiền 1,25 tỷ đồng; bảo lãnh tín chấp cho 374 hội viên vay chương trình giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 22 tỷ đồng.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã vận động nông dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu thị trường. Hội tiếp túc hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.