Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi ốc hương thương phẩm theo hướng công nghệ cao, ông Hải chia sẻ không ngớt về hành trình khởi nghiệp, sự am hiểu về loài vật nuôi này. Từ mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn muốn chuyển đổi mô hình sản xuất mới thay thế con tôm trong bối cảnh giá cả tôm sụt giảm, sản xuất không hiệu quả.
Ông Hải, nông dân nuôi ốc hương-ốc đặc sản ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch ốc hương biển.
Ông Hải có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm. Từ năm 2017, ông là một trong những người đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Bạc Liêu và Sóc Trăng… Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với con tôm, thị trường đầu ra ngày càng khó khăn, giá cả bấp bênh, dịch bệnh triền miên nên ông chuyển đổi sang vật nuôi khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Năm 2022, tình cờ biết đến mô hình nuôi ốc hương biển ở các tỉnh miền Trung. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy đây là vật nuôi tiềm năng, giá trị kinh tế cao, địa phương chưa ai nuôi. Ông cất công ra tận Ninh Thuận, Khánh Hòa không biết bao nhiêu lần để học hỏi mô hình, tích lũy kinh nghiệm nuôi ốc hương.
Tuy nhiên, việc đưa ốc hương biển về nuôi tại vùng đất Bạc Liêu là điều không tưởng, bởi chính những chủ trại nuôi cũng khẳng định do điều kiện tự nhiên không phù hợp, từ độ mặn của nước biển tại địa phương thấp hơn chuẩn nuôi ốc hương ở miền Trung, cộng thêm mưa nhiều sẽ rất khó nuôi…
Nhưng với quyết tâm chọn ốc hương biển để chuyển đổi mô hình, ông Hải tiếp tục hành trình nghiên cứu, miệt mài tham quan nhiều mô hình nuôi ốc hương ở khắp nơi. Sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, tự tin có thể thành công từ mô hình này, ông Hải quyết định cải tạo đất nuôi thử nghiệm.
Để có con giống như mong muốn, ông Hải thuyết phục cơ sở nhân nuôi ốc giống đồng ý hạ độ mặn để có thể phù hợp đưa về vùng đất Bạc Liêu nuôi. Sau khi nhận được sự đồng ý từ nơi bán con giống ở Ninh Thuận, Nha Trang, ông chi hơn 200 triệu đồng mua hơn 3 triệu con giống về thả nuôi và đã thành công.
Theo ông Hải, để nuôi thành công ốc hương biển, ông tận dụng những ao nuôi tôm công nghệ cao trước đó để cải tạo lại và thả nuôi trong 4 ao diện rộng hơn 6.000m2. Ao nuôi được lót bạt, đổ cát ở đáy, bên trên che lưới. Nước biển phải được xử lý ở ao lắng, khi đảm bảo các điều kiện và độ mặn mới chuyển vào ao nuôi. Mật độ nuôi cũng sẽ được thay đổi tùy theo độ tăng trưởng của ốc. Mỗi lần giảm mật độ, ốc sẽ được chuyển ao nuôi để vệ sinh, kích thích sự phát triển và hạn chế dịch bệnh.
Nhờ nguồn thức ăn sạch, ốc hương của cơ sở có thịt dai, giòn, ngọt; trữ tươi sống được lâu nên thị trường rất chuộng.
Nuôi ốc hương không khó, lại nhẹ công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần. Có thể sử dụng thức ăn chế biến từ cá tạp thay thế thức ăn công nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí nuôi, tăng lợi nhuận.
“Tôi mua cá, tôm, ghẹ biển tạp với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg, sau đó đem về rửa sạch, xay nhuyễn rồi cho ốc ăn. Nhờ tận dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt ốc đảm bảo, giàu dinh dưỡng hơn so với thức ăn công nghiệp”, ông Hải cho biết.
Đầu năm 2023, ông Hải quyết định mở rộng quy mô lên hơn 20 ao. Mỗi ao 1.000m2, ông thả nuôi 500.000 con, mật độ 500 con/m2. Hiện ốc hương tại trang trại bán cho nhiều chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn, xuất sang Trung Quốc… Ốc loại 100 con/kg bán với giá 250.000-300.000 đồng; ốc cỡ 50-70 con/kg giá hơn 420.000 đồng. Với mô hình này, ông Hải thu lãi hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.
“Với hơn 20 ao nuôi ốc hương, tôi ước tính có thể thu hoạch từ 70-100 tấn ốc thương phẩm bán sỉ, lẻ cho nhiều nhà hàng, quán ăn, chợ đầu mối trong cả nước. Ngoài ra, nhiều thương lái mua để xuất sang Trung Quốc. Nhờ nguồn thức ăn sạch, ốc hương của cơ sở có thịt dai, giòn, ngọt; trữ tươi sống được lâu nên thị trường rất chuộng”, ông Hải nói.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi ốc hương biển của ông Hải là mô hình mới của tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn khả năng mở rộng sản xuất giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Địa phương cũng có kế hoạch khuyến khích người dân ven biển nhân rộng mô hình này nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.