Nuôi loại heo gì mà lông vằn vện, anh nông dân Quảng Nam hễ nói bán là có ngay người “khênh” đi?

Sau 2 năm nuôi thử nghiệm heo rừng lai, ông Diệp Đình Tuấn (thôn Hà An, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển đàn heo và cung cấp heo giống, thương phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Sau 2 năm nuôi thử nghiệm heo rừng lai, ông Diệp Đình Tuấn (thôn Hà An, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển đàn heo và cung cấp heo giống, thương phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Tuấn cho biết, ở địa phương ông làm nghề chính là môi giới đất đai. Qua nhiều lần đi giao lưu gặp bạn bè, nhận thấy mô hình nuôi heo rừng lai ở các địa phương khá hiệu quả.

Thế là, năm 2021 ông bắt tay vào xây dựng chuồng trại với diện tích 800m2 và mua khoảng 20 con heo giống ở Hội An và Hiệp Đức về thả nuôi. Tổng chi phí đầu tư chuồng trại, heo giống hết khoảng 400 triệu đồng.

“Lúc đầu mua heo về nuôi, tôi cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu kỹ thuật, chăm sóc. Để khắc phục rủi ro, tích lũy kiến thức chăn nuôi gia súc, tôi thường xuyên lên mạng và đọc thêm sách báo để đỡ đẻ cho heo mẹ, chữa bệnh viêm cầu trùng, tiêm sắt, vắc xin cho heo con…

Giờ mọi thứ đối với tôi đã thuần thục, mỗi lần chăm sóc là có thể đoán được bệnh, hoặc heo chuẩn bị cần phối giống” – ông Tuấn chia sẻ.

Nuôi loại heo gì mà lông vằn vện, anh nông dân Quảng Nam hễ nói bán là có ngay người "khênh" đi?- Ảnh 1.

Ông Tuấn, nông dân nuôi thành công giống heo rừng lai ở thôn Hà An, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, (tỉnh Quảng Nam) đang chăm sóc đàn heo khá cẩn thận. Ảnh: P.H

Hơn 2 năm, ông Tuấn đã phát triển đàn lên tới hàng trăm con. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường hơn 50 con heo thương phẩm và heo giống với giá bán dao động 150 – 180 nghìn đồng/kg. Doanh thu đem lại hơn 150 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, nhằm giúp đàn heo phát triển đảm bảo về số lượng, chất lượng thịt thơm ngon, ông Tuấn tự trồng rau muống, rau lang, chuối kết hợp với mua hèm rượu về làm thức ăn. Mới đây, ông còn đặt mua hàng ngàn gốc chè lá lớn ở các tỉnh phía Bắc về trồng để trị các bệnh đường ruột cho heo.

Ông Tuấn cho biết thêm, con heo rừng dễ thích nghi với thời tiết, ít hao hụt. Do địa hình ở đây thấp trũng, dễ bị ngập lụt nên ông đã xây nền bằng xi măng khá cao để đàn heo lên ngủ và đề phòng sự cố nước ngập. Cạnh đó, ông còn làm hầm biogas để xử lý chất thải làm khí đốt, hạn chế ô nhiễm ra môi trường.

Heo con sau khi nuôi được khoảng 1 – 2 tháng, ông bắt tách mẹ để chúng mau lớn và tiện chăm sóc. Khi heo đạt trọng lượng khoảng 6 – 10kg là bắt đầu bán heo giống, khoảng 30kg là bán heo thương phẩm. Thị trường tiêu thụ heo rừng của ông ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Ở xã Duy Vinh, ông Tuấn là hộ đầu tiên chăn nuôi heo rừng. Ông cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống cho các hộ dân khác khi có nhu cầu.

Thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, chọn lọc và phát triển đàn heo để có nguồn cung cấp thịt heo thương phẩm ra thị trường dồi dào hơn.