Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng

Sau mấy năm nuôi dúi má đào, anh Cầm Văn Duy ở bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đã có của ăn, của để. Dúi má đào sinh trưởng nhanh có con đạt trọng lượng lên tới 6kg.

Chuồng nuôi dúi má đào của anh Duy được làm cạnh nhà. Từng ô chuồng nhỏ được quây lại bởi những viên gạch men khổ lớn. Mỗi ô rộng chừng 1m2. Phía trong mỗi ô, họ hàng nhà dúi sống lầm lũi như những cái bóng của mình.

Một con dúi má đào trị giá bằng con lợn tạ

Anh Duy chia ô chuồng rộng nhỏ tùy theo độ tuổi của từng loại dúi. Đàn dúi nuôi để thịt ở chuồng rộng, mỗi chuồng có từ 5 đến 10 con. Dúi sinh sản ở một mình một ô. Từ vài con dúi mẹ ban đầu, đến nay trại của anh Duy có gần 200 con dúi lớn nhỏ.

Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng- Ảnh 1.

Anh Cầm Văn Duy ở bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã thành công trong việc nuôi dúi má đào. Ảnh: Thuần Việt

Theo chia sẻ của anh Duy, anh đang nuôi cả chục con dúi mẹ. Dúi má đào (dúi má vàng) là loài dúi có cân nặng hơn so với loài dúi mốc lớn ở Việt Nam. Hình dáng cơ thể lớn, đuôi to và dài, thuộc bộ gặm nhấm, giống loài chuột. Chúng rất hiền lành. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong chuồng và thích môi trường yên tĩnh.

Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng- Ảnh 2.

Dúi sinh sản tốt, chúng chăm con rất khéo. Ảnh: Thị Mến

Cách phân biệt loài dúi này với các dúi khác ở chỗ là nó có hai cái má màu hồng hồng hoặc vàng vàng, khá mũm mỉm. Một năm chúng đẻ 4 đến 5 lứa, mỗi lứa từ 3 đến con. Giống dúi anh nuôi là dúi má đào. So với dúi ta, dúi má đào sinh sản mạnh hơn và trọng lượng khi trưởng thành của chúng gấp 2-3 lần so với dúi ta. Giá bán 1kg dúi má đào là 800.000đ. Bán một con dúi trưởng thành 5kg, có giá trị tương đương một con lợn tạ.

Dúi má đào dễ nuôi, bán được giá

Anh Duy đã nuôi dúi má đào được 3 năm. Trước đây anh từng nuôi lợn, ngan, gà, nhưng chưa mang lại hiệu quả. Từ khi chuyển sang nuôi dúi, thu nhập của gia đình cũng tăng dần. “Bán một con dúi to 5 đến 6kg, trị giá bằng cả một con lợn. Trong khi đó, nuôi dúi hết ít chi phí. Thức ăn cho chúng chỉ là tre, bương, mía và bột ngô. Nguồn thức ăn này, tôi lại chủ động được, không mất tiền mua”, anh Duy cho biết.

Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng- Ảnh 3.

Dúi má đào cho trọng lượng cao gấp 2 đến 3 lần so với giống dúi mốc. Ảnh: Thuần Việt.

Cũng theo anh Duy, dúi dễ nuôi, nhưng khi làm chuồng trại phải thiết kế làm sao mà chắc chắn và kiên cố. Yêu cầu không có nhiều ánh sáng chiếu vào bên trong, thoáng mát, rộng rãi. Bờ tường phải cao gần 2 mét, xây bằng gạch trán xi măng. Trong chuồng nên lắp đặt nhiều quạt gió nhằm hạ nhiệt chuồng dúi trong những ngày nắng nóng.

Phần mái thì làm bằng tôn cách tường 1 khoảng 1m, để cho thoáng khí ra bên ngoài. Một lưu ý nữa, cần cho ít ánh sáng vào chuồng nuôi. Nếu để ánh sáng vào nhiều, bộ lông của dúi sẽ chuyển sang màu vàng và dúi sẽ bị bệnh. Vào mùa đông nên lấy ánh sáng để tiêu diệt mầm bệnh.

Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng- Ảnh 4.

Dúi má đào dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng dễ kiếm như tre, mía, bột ngô. Ảnh: Thuần Việt.

Chuồng nuôi dúi phải mát mẻ, thoáng khí, có mái che toàn bộ phần chuồng trại, nhiệt độ thích hợp là từ 22 – 25 độ C. Dúi má đào không chịu được nóng cho nên nếu nuôi trong môi trường đó thì nên lắp thêm các quạt tản nhiệt, lướt tản nhiệt, mái tôn, trồng nhiều cây xanh bên ngoài.

Nuôi loài dúi có đôi má hồng hồng, xinh xinh, chàng trai người Thái ở Sơn La bán 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng- Ảnh 5.

Đàn dúi của anh Duy phát triển tốt và cho thu nhập đều đặn. Ảnh: Thuần Việt.

Hiện, anh Duy đang từng bước mở rộng trại nuôi dúi với quy mô 40 – 50 con dúi đẻ. “Con dúi dễ nuôi, dễ chăm sóc và nhanh cho thu nhập. Nó phù hợp với quy mô cho các hộ gia đình ở miền núi. Nhiều bà con đến thăm quan, học hỏi nuôi dúi, tôi cũng tận tình hướng dẫn”, anh Duy cho biết.