Với quy trình chăn nuôi khoa học, các sản phẩm cá sạch sông Đà đã khẳng định được chất lượng trên thị trường. Qua đó tạo điều kiện cho các hộ cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hợp tác xã (HTX) Đà Giang Eco là cơ sở nuôi và chế biến cá sạch được thành lập từ đầu năm 2023 với trên 40 lồng nuôi cá.
Quy mô 10 thành viên và trên 100 hộ chăn nuôi “vệ tinh” đã tạo nguồn cung dồi dào cho các nhà hàng, khách sạn.
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã cung ứng gần 15 tấn cá tiêu thụ trên địa bàn và các vùng lân cận. Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco chia sẻ: “Tiền Phong là địa bàn hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành công nghề nuôi cá lồng.
Từ thuận lợi về diện tích mặt nước, nguồn nước sạch và thức ăn phong phú, HTX Đà Giang Eco đã áp dụng nuôi cá theo quy trình, tiêu chuẩn phòng bệnh.
Chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn vật nuôi, đồng thời phòng, chống các loại dịch bệnh. Quá trình nuôi, các thành viên HTX tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng”.
Thành viên HTX Đà Giang Eco, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) thực hiện sơ chế sản phẩm cá sông Đà.
Cá lăng đen, trắm đen và cá ngạnh là những sản phẩm OCOP của HTX Đà Giang Eco đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường tiêu thụ.
Giá thành các sản phẩm phù hợp, thuận tiện trong việc sơ chế, chế biến các món ăn phù hợp trong bữa cơm gia đình.
Theo đó, sản phẩm cá lăng đen và trắm đen sau khi thực hiện sơ chế có giá ổn định từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm được các hộ nuôi cá lòng hồ trong khoảng 18 tháng trước khi suất bán. Cùng với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX Đà Giang Eco tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà.
Theo đó, các sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu và đóng gói bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn và vùng lân cận. Một số sản phẩm tiêu biểu như cá tép chiên, cá kho… mang hương vị đặc trưng được khách hàng ưa thích.
Xã Tiền Phong có 5/7 xóm tiếp giáp vùng lòng hồ Sông Đà. Khai thác tiềm năng về nguồn thủy sản phong phú, đa dạng, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng.
Toàn xã hiện có trên 300 hộ nuôi thủy sản, trong đó 10 hộ nuôi cá lồng quy mô lớn, sản xuất tập trung. Tiêu biểu như hộ các anh Lê Đình Hợi (xóm Túp), Đinh Văn Lâm (xóm Mực). Một số giống cá chủ lực được nuôirộng rãi và thị trường ưa chuộng như: trắm cỏ, rô phi, lăng đen…
Nhận thấy hiệu quả từ nuôi cá lồng đem lại, nhiều hộ đã chuyển đổi ngành nghề nhằm cải thiện thu nhập. Chủ động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mua giống, mở rộng hệ thống lồng bè nuôi cá. Từ đó người lao động đã được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định.
Đồng chí Bùi Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) khẳng định: Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng… các sản phẩm cá sạch sông Đà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để địa phương tiếp tục xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi cá lồng theo đúng quy trình, đảm bảo các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đa dạng các sản phẩm được sơ chế, chế biến từ cá sạch sông Đà nhằm phục vụ khách hàng. Qua đó khẳng định thương hiệu cá sạch sông Đà gắn phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT – XH đã đề ra”.